Cục CSGT kiến nghị đưa nội dung lái xe trên cao tốc vào chương trình đào tạo
Theo VOV, tại buổi họp trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia diễn ra mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung – Cục trưởng Cục CSGT đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe và đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo.
Đồng thời, cũng kiến nghị cơ quan thực hiện sát hạch, cấp bằng lái phối hợp với lực lượng CSGT và ngành y tế quản lý chặt tài xế, kịp thời phát hiện trường hợp sử dụng ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi bằng lái.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra doanh nghiệp vận tải, tập trung vào quy định khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, không sử dụng lái xe có sử dụng ma túy, người có tiền sử mắc bệnh tâm thần đang được theo dõi.
Phân tích các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, khung giờ xảy ra nhiều nhất là vào khoảng từ 22h hôm trước đến 4h hôm sau; tập trung chủ yếu tại Quốc lộ (chiếm 55,5%). Có thể kể đến một số hành vi gây tai nạn hàng đầu như là: Đi không đúng phần đường, làn đường quy định; không chú ý quan sát; sử dụng rượu bia; vi phạm tốc độ.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. (Ảnh: VOV)
Cũng theo Cục trưởng Cục CSGT, 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử lý hơn 21.500 trường hợp vi phạm quá trọng tải; hơn 850 trường hợp dương tính ma túy, gần 104.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; hơn 140.000 trường hợp chạy quá tốc độ quy định…
Tuy nhiên, việc xử lý đối với các chuyên đề này còn gặp những khó khăn. Cụ thể, việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, dương tính với chất ma túy hiện nay chủ yếu do lực lượng CSGT phát hiện, xử lý thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành địa phương mà coi đó là nhiệm vụ của lực lượng CSGT…
Nghệ An phát hiện thêm 1 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản
Ngày 16/7, sau khi tiếp nhận được thông tin về 01 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại Chăm Hiêng, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), đang điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An đã cử đoàn công tác lên phối hợp với Trung tâm Y tế Quỳ Hợp, Trạm Y tế xã Châu Thành triển khai khẩn trương các hoạt động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Tại khu vực phát hiện bệnh nhân viêm não Nhật Bản, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát môi trường,... tại gia đình và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân sinh sống.
Đồng thời CDC Nghệ An đã chỉ đạo hướng dẫn địa phương các hoạt động phòng, chống dịch viêm não Nhật Bản, như giám sát véc tơ, môi trường, đồng thời tổ chức truyền thông về bệnh viêm não Nhật Bản.
Chăm Hiêng, xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nơi phát hiện bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản. (Ảnh: SK&ĐS)
Theo thống kê của CDC Nghệ An, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Nghệ An là tỉnh có nhiều sinh cảnh phù hợp và đặc biệt mùa hè là thời điểm muỗi Culex truyền bệnh sinh trưởng và phát triển mạnh. Do đó, CDC Nghệ An đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là; tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt tăng cường công tác rà soát, tiêm chủng vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn.
Đề xuất chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam bằng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh
Chiều 16/7, diễn đàn “Nhà quản lý - nhà báo - doanh nghiệp với tài nguyên và môi trường” lần thứ VI - năm 2022 đã diễn ra tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề Phát triển xanh, cam kết của Việt Nam tại COP26.
Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế… để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải khí mêtan 30% vào năm 2030.
Để thực hiện các cam kết trên, bộ đã và đang đề xuất với Chính phủ sớm ban hành một loạt văn bản pháp lý quan trọng, làm cơ sở triển khai.
Khí hậu biến đổi ngày càng khắc nghiệt. Trong ảnh là tình trạng biển xâm thực ở TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Tuổi trẻ)
Góp ý tại diễn đàn, ông Lưu Bình Nhưỡng - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng cần phải xác định rõ phát triển xanh là gì, tiêu chí, tiêu chuẩn… Theo ông, hiện nay chưa có đạo luật nào xác định rõ các tiêu chí này. Vì vậy các nhà làm chính sách phải cụ thể hóa, luật hóa.
Ông Nhưỡng góp ý thêm: "Cụ thể hóa bằng cách tăng cường trồng cây xanh, hưởng ứng mạnh mẽ chương trình 1 tỷ cây xanh. Các doanh nghiệp phải tham gia và ủng hộ mạnh mẽ chương trình 1 tỷ cây xanh. Người dân thực hiện bằng cách phân loại rác tại nguồn…".
Việt Hương (T/h)