Xử lý gần 3.000 trường hợp sử dụng bia - rượu, nhưng vẫn tham gia giao thông
Thời gian vừa qua, lực lượng CSGT, Trật tự, Cơ động CA TP.Hà Nội đã phối hợp kiểm tra, xử lý 146.170 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ - đường sắt - đường thủy, phạt trên 83,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, toàn lực lượng CSGT Thủ đô đã xử lý 2.877 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông; 1.694 trường hợp điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ; 33.840 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm; 588 trường hợp phương tiện chở quá khổ quá tải; 3.431 trường hợp vi phạm bị phát hiện qua hệ thống camera giám sát…
Riêng đối với lực lượng CSGT đường thủy, đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ 11 vụ, 24 phương tiện, 54 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép.
Tính đến ngày 14/6/2022, lực lượng CSGT toàn thành phố cũng đã giải quyết thủ tục đăng ký đối với 3.040 phương tiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Gần 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Các tổ công tác 141 trong quá trình tuần tra kiểm soát đã phát hiện hơn 400 trường hợp có dấu hiệu phạm pháp hình sự, bàn giao cho công an các đơn vị điều tra, xác minh, xử lý theo thẩm quyền…
Đánh giá các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông Thủ đô, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc CA TP.Hà Nội đã biểu dương những kết quả mà lực lượng Cảnh sát giao thông CA TP đạt được trong nửa đầu năm 2022.
119 cán bộ, nhân viên y tế ở Nghệ An nghỉ việc do áp lực, thu nhập thấp
Ông Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết trên Tiền phong, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An đã có 119 cán bộ, nhân viên y tế công lập xin nghỉ việc, trong đó có gần 1/2 là bác sỹ. Trong số những người xin nghỉ việc có khoảng 2/3 chuyển sang công tác tại các đơn vị y tế tư nhân; còn 1/3 có lý do cá nhân và sức khỏe.
Để xảy ra tình trạng trên theo ông Chỉnh do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do chế độ đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thấp.
Thứ hai, hầu hết các bệnh viện công lập ở Nghệ An đều tự chủ về tài chính. Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng, lượng bệnh nhân đến viện giảm nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu của các bệnh viện. Tại các đơn vị tự chủ, ngoài chế độ lương thì chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp. Trong khi đó, hệ thống bệnh viện tư nhân tại Nghệ An rất phát triển nên có sự dịch chuyển lao động từ đơn vị công lập ra ngoài công lập.
Ông Chỉnh nêu ví dụ, một bác sỹ mới ra trường vào bệnh viện công lập tuyến tỉnh có thu nhập chỉ từ 5-7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, bác sỹ này có thể được trả từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đối với bác sỹ nội trú ra trường, bệnh viện công lập chỉ trả từ 15-20 triệu đồng/tháng, trong khi bệnh viện tư nhân có thể trả từ 70-100 triệu đồng/tháng.
Nhân viên y tế Nghệ An ngày đêm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Tiền phong)
Nguyên nhân thứ ba là do áp lực công việc. Hai năm làm công tác phòng chống dịch COVID-19 đã “bào mòn” sức lực của các cán bộ, nhân viên y tế. Suốt thời gian qua, cán bộ y tế đã phải làm 2 việc cùng lúc. Vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa phòng chống dịch COVID-19 nên công việc rất áp lực.
Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng, trước đây, cán bộ y tế rất “tha thiết” vào các bệnh viện công nhưng hiện nay thì khác. Các bệnh viện tư nhân được đầu tư máy móc hiện đại, đầy đủ hơn nên các cán bộ y tế có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề.
Trước thực trạng này, người đứng đầu ngành Y tế Nghệ An nêu giải pháp, muốn giữ chân được cán bộ y tế ở lại đơn vị y tế công lập cần nâng cao chế độ đãi ngộ, kịp thời động viên và khen thưởng. Cải thiện môi trường làm việc tốt, để các y bác sĩ yên tâm gắn bó lâu dài.
Thanh Hóa: 206 nhân viên y tế công nghỉ việc vì thu nhập thấp và áp lực
Trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đã thông tin về tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, và tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế.
Báo cáo trước HĐND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Hữu Hùng cho biết, từ năm 2020 đến hết tháng 6.2022, toàn tỉnh Thanh Hóa có 206 nhân viên y tế làm việc trong các cơ sở y tế công lập nghỉ việc. Trong đó, có 96 bác sĩ, chiếm 47% số người nghỉ việc.
Đáng lo ngại hơn, trên thực tế, số nhân viên y tế có ý định xin nghỉ việc lớn hơn gấp nhiều lần số đã nghỉ việc nêu trên.
“Qua theo dõi tâm lý của nhiều người, chúng tôi nhận thấy số nhân viên y tế có ý định nghỉ việc cao gấp nhiều lần, nhưng do nhiều người chưa biết chọn nghề gì, chuyển đến đâu nên họ vẫn đang làm việc”, Thanh niên dẫn lời ông Hùng cho hay.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc được Sở Y tế Thanh Hóa tổng hợp, là do áp lực công việc nặng nề, trực bệnh viện liên tục, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng phục vụ cao, nên bác sĩ, nhân viên y tế luôn cảm thấy mệt mỏi. Thu nhập của nhân viên y tế không đảm bảo
Thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao khiến nhiều nhân viên y tế không còn thiết tha với y tế công lập. (Ảnh: Thanh niên)
Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh giảm, ảnh hưởng đến nguồn thu của cơ sở khám chữa bệnh. Trong khi, các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ, ngân sách Nhà nước hỗ trợ không còn nhiều, và Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ chối thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế - kỹ thuật năm 2017 - 2018 là 203 tỉ đồng, khiến cho các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, nhân viên y tế phải đối mặt với mối nguy hiểm từ bệnh nhân, người nhà người bệnh, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội, và các cấp quản lý.
Để giải quyết các vấn đề trên, ông Hùng cho rằng cần phải đáp ứng các điều kiện, như: các cơ sở y tế phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế để các bác sĩ cống hiến, phục vụ bệnh nhân tốt hơn; ngoài kinh phí hỗ trợ của Chính phủ, nên có chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh.
Việt Hương (T/h)