Yêu cầu 2 Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình kiểm điểm
Ngày 12/7, trao đổi với PLO, ông Đinh Hữu Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Bình cho biết, vừa có thông báo kết luận kỳ họp thứ 16 của UBKT Tỉnh ủy khóa XVII với nhiều nội dung quan trọng.
Đáng chú ý là việc xem xét báo cáo kết quả giải quyết tố cáo đối với ông Nguyễn Văn Ước (Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình) và ông Đoàn Anh Tuấn (Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Bình).
UBKT yêu cầu ông Ước, ông Tuấn và một số cá nhân có liên quan kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong việc tham mưu, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo của công dân.
UBKT Tỉnh uỷ Quảng Bình cũng cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong việc kết luận giải quyết tố cáo đảng viên. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có trách nhiệm của một số tổ chức, cá nhân liên quan.
Thanh tra tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: PLO)
UBKT Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Trạch rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra. Đồng thời, yêu cầu một số tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, rà soát văn bằng, quyết định kết nạp đảng viên để xử lý theo quy định.
UBKT Tỉnh ủy còn lưu ý kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBKT Huyện ủy Tuyên Hóa và Quảng Trạch; Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, UBKT Đảng ủy Quân sự tỉnh, Khối Doanh nghiệp tỉnh.
UBKT Tỉnh ủy nhận thấy: Bên cạnh những ưu điểm, các tổ chức đảng nêu trên còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng.
UBKT Tỉnh ủy yêu cầu các tổ chức đảng được kiểm tra rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra.
Hàng trăm bác sĩ các bệnh viện công tại miền Tây xin thôi việc, bỏ việc
Thông tin trên Tiền phong, ông Kiên Sóc Kha, Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh vừa có báo cáo về tình hình cán bộ, viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 6 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, tại đơn vị có 51 trường hợp viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc gồm: 20 bác sĩ, 17 điều dưỡng, 5 kỹ thuật y và 9 cán bộ y tế khác.
Bệnh viện Sản nhi có số lượng cán bộ xin nghỉ nhiều nhất là 12 người, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh và Trung tâm Y tế huyện Cầu Kè, mỗi đơn vị 6 người.
Theo ông Kha, nguyên nhân cán bộ y tế xin thôi việc, bỏ việc là do thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp còn thấp không đủ để trang trải cuộc sống, thu nhập tăng thêm không đảm bảo.
Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch kéo dài, cán bộ ngành Y tế phải chịu áp lực công việc nên có nguyện vọng tìm việc làm khác để giảm bớt áp lực.
Trong 6 tháng đầu năm, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế ở miền Tây xin nghỉ việc. (Ảnh: Tiền phong)
Nhiều người gặp khó khăn về cuộc sống, không cân bằng giữa công việc và cuộc sống do đó giảm động lực để công tác. Cũng có một số viên chức xin thôi việc là do không ai chăm sóc con cái, điều kiện đi lại gặp khó khăn do nhà ở xa cơ quan nên không thể tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ được phân công tại đơn vị; một số viên chức xin thôi việc để tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn để chăm lo cho gia đình, ổn định cuộc sống.
Theo lãnh đạo Sở Y tế Trà Vinh, nhằm hạn chế tình trạng viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc, đơn vị đã phối hợp với tổ chức Công đoàn khuyến khích, động viên về tinh thần, vật chất cho nhân viên y tế, đồng thời khen thưởng cho những viên chức có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống dịch; bố trí, sắp xếp lại công việc phù hợp để viên chức tiếp tục ở lại công tác.
Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ tăng mức lương hoặc phụ cấp để cán bộ ngành Y tế có nguồn thu nhập ổn định nhằm đáp ứng nhu cầu cho đời sống được tốt hơn, góp phần nâng cao tinh thần, sức khoẻ cho viên chức y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, điều trị và chăm sóc cho nhân dân. Tăng định mức biên chế cho ngành nhằm đảm bảo công tác khi dịch bệnh xảy ra, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống dịch nhất là tuyến xã và y tế dự phòng...
Đồng ý xây mới cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Đồng Đăng
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư xây dựng cải tạo cầu đường sắt Km30+430 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng.
Cụ thể, Bộ GTVT nhận được công văn của UBND TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đề nghị chấp thuận cho đầu tư xây dựng cải tạo cầu đường sắt Km30+430,19 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng.
Theo đó, UBND TP. Bắc Ninh đề nghị xây dựng mới cầu đường sắt Y Na để mở rộng khẩu độ nhịp, xóa bỏ hạn chế về tĩnh không giữa đường bộ và đường sắt nhằm đảm bảo ATGT cho các phương tiện giao thông lưu thông dưới gầm cầu đường sắt.
Trả lời về việc này, Bộ GTVT cho hay, cầu Y Na Km30+421 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng gồm 02 nhịp dầm giản đơn bằng bê tông cốt thép có khẩu độ mỗi nhịp dầm là 5,72m, mố và trụ bằng bê tông cốt thép đặt trên móng nông. Hiện tại, trạng thái kỹ thuật của cầu ổn định, đảm bảo an toàn khai thác.
Để đảm bảo ATGT đường sắt, đường bộ trên địa phận TP. Bắc Ninh, Bộ GTVT đồng ý về chủ trương xây dựng mới cầu đường sắt tại vị trí cầu hiện tại Km30+430,19 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng theo đề nghị của UBND TP. Bắc Ninh với các yêu cầu sau:
Bộ GTVT chấp thuận cho địa phương cải tạo cầu đường sắt Y Na trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Ảnh minh họa)
Khổ tĩnh không tối thiểu của công trình đường bộ dưới gầm cầu đường sắt Km30+430,19 xây dựng mới phải tuân thủ quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 10 Nghị định số 56/2018; Điều 21 Nghị định số 11/2010.
Hồ sơ thiết kế phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đường sắt và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng; đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt.
Sau khi hoàn thành công trình, việc bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2018.
“Toàn bộ kinh phí khảo sát, thiết kế, GPMB (nếu có) và đầu tư xây dựng mới cầu đường sắt tại Km30+460,19 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng do địa phương chịu trách nhiệm chi trả cho đơn vị thực hiện; kinh phí quản lý, bảo trì cầu đường sắt sau khi hoàn thành công trình và bàn giao tài sản cho ngành đường sắt quản lý được lấy từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt được cấp hàng năm", Bộ GTVT cho hay.
Việt Hương (T/h)