Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 17/7: Tàu cá Bình Thuận ra khơi mất tích 7 ngày chưa tìm thấy

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 17/7/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 17/7/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Tàu cá Bình Thuận ra khơi mất tích 7 ngày chưa tìm thấy

Cảng vụ Hàng hải tỉnh Bình Thuận cho biết trên báo Giao thông, đến 10h sáng 16/7 vẫn chưa tìm thấy tung tích tàu cá BTh 97478 TS cùng 15 thuyền viên trên tàu bị mất tích từ ngày 9/7.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, để tìm kiếm tàu cá bị mất liên lạc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận huy động nhiều tàu của ngư dân huyện Phú Quý và các tàu cá khác tìm kiếm.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên đề nghị chỉ đạo cho các đồn biên phòng thông báo cho tàu, thuyền, ngư dân các địa phương trên đang hoạt động trên biển hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày, đến nay vẫn chưa phát hiện thông tin có liên quan đến tàu cá nêu trên.

Tàu cảnh sát biển tham gia tìm kiếm tàu cá bị mất liên lạc trên biển. (Ảnh: CSBVN)

 

 

Về thời điểm tàu cá bị mất liên lạc, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, vào lúc 9h30 ngày 9/7, ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi, trú phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết) - chủ tàu kiêm thuyền trưởng, hành nghề lưới vây rút chì có điện thoại cho vợ là bà Trần Thị Phượng để thông tin là ngày 10/7 tàu cá hành trình về cảng Phan Thiết.

Đến sáng ngày 12/7, không thấy tàu cá vào bến, bà Phượng gọi điện thoại cho ông Toàn nhưng không được. Từ 8h đến 10h30 ngày 12/7 điện thoại ông Toàn có đổ chuông, nhưng không ai nghe máy.

Thiết bị giám sát hành trình được gắn trên tàu cung cấp, tín hiệu cuối cùng của thiết bị hoạt động lúc 5h7 phút ngày 10/7, tại tọa độ 09°06'39"N; 109°13'06"E. Vị trí này trong cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý về hướng Tây Bắc và cách Cảng Phan Thiết khoảng 126 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc.

Quả đồi sạt lở giữa đêm, cả gia đình nhập viện cấp cứu

Sáng 16/7, ông Nay Y Phú - Chủ tịch UBND huyện Lắk (Đắk Lắk), xác nhận trên Tiền phong, trên địa bàn vừa xảy ra vụ sạt lở đất đồi khiến 4 thành viên trong 1 gia đình bị thương phải đưa đi bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cấp cứu, điều trị.

Vụ việc xảy ra vào 23h ngày 15/7. Thời điểm ấy, trên địa bàn thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk có trận mưa lớn. Sau đó, đất đá từ trên quả đồi bị sạt lở, đổ xuống phía sau nhà bà Trần Thị Liễu (SN 1969). Hậu quả, 4 người trong gia đình này bị thương, được chính quyền địa phương và người dân xung quanh hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Căn nhà cấp 4 với tổng diện tích khoảng 60m2 của gia đình bà Liễu bị sập.

Chính quyền khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi có mưa lũ xuất hiện. (Ảnh: Tiền phong)

 

Theo ông Nay Y Phú, tại nơi xảy ra vụ việc, người dân sống thưa thớt. Sau vụ việc này, chính quyền sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân sống ở những nơi gần đồi núi, ven sông suối cần đề phòng khi xuất hiện mưa lớn, nguy cơ gây sạt lở, ngập úng…

Tây Ninh ghi nhận trên 5.000 ca mắc sốt xuất huyết, có 5 ca tử vong

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, Tây Ninh ghi nhận tổng cộng 5.087 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2,35 lần so với cùng kỳ năm 2021), đã có 5 ca tử vong.

CDC Tây Ninh dự báo nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết trên diện rộng nếu người dân, chính quyền địa phương không quyết liệt cùng chung tay với ngành y tế khống chế các ổ bệnh.

Với số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao tại Tây Ninh, ông Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trên TTXVN, đây là vấn đề cần sớm được xử lý. Với tình hình thực tế hiện nay, Tây Ninh đang đứng thứ 6 so với các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam nhưng nếu tính theo tỷ lệ dân số thì tỉnh có khoảng 426 ca/100.000 dân, dẫn đầu khu vực phía Nam. Chỉ tính thành phố Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Châu đã chiếm tới hơn 72% số ca mắc của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ông Nguyễn Vũ Thượng đề nghị Tây Ninh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên để chống dịch có trọng tâm, trọng điểm khi nguồn lực có hạn; đồng thời nhấn mạnh “những gì mang tính lâu dài thì thực hiện lâu dài (như diệt lăng quăng), còn những gì mang tính hỏa tốc thì phải làm ngay (như diệt đàn muỗi đang mang mầm bệnh sốt xuất huyết trong các ổ bệnh) để kiểm soát tình hình ngay từ những ngày đầu”.

Phun thuốc diệt muỗi. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý thêm, nếu như trước đây, ngành y tế chỉ chú trọng diệt lăng quăng, diệt muỗi trong hộ gia đình thì nay cần đặc biệt quan tâm tới những nơi công cộng như cơ quan nhà nước, xí nghiệp, công ty, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, chợ… nơi tập trung đông người. Sở Y tế Tây Ninh sớm tham mưu cho tỉnh ban hành các chỉ đạo chung về công tác phòng, chống sốt xuất huyết; trong đó có việc huy động nguồn lực, kinh phí, vật chất.

Theo đó, ngành y tế sẽ làm những nhiệm vụ chuyên sâu, còn những việc không cần tới nhân viên y tế sẽ có các ngành khác hỗ trợ. Có thể đưa các chỉ tiêu phòng, chống sốt xuất huyết vào thi đua của địa phương để vận động làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch bệnh.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật