Nắng nóng có thể xuất hiện từ tháng 3
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết trên Sức khỏe & Đời sống, năm 2023, La Nina (giai đoạn nhiệt độ nước biển pha lạnh) duy trì đến hết mùa xuân năm 2023 với xác suất 50-60%. Sau đó có xu hướng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào những tháng mùa hè với xác suất khoảng 65-75%. Những tháng cuối năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển có xu hướng tăng dần và trạng thái ENSO có khả năng nghiêng về pha nóng.
Dự báo các tháng nửa đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN), các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Năm 2023, dự báo nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tháng 2 đến tháng 4/2023, ENSO còn duy trì trong trạng thái La Nina với xác suất trong khoảng 50%; sau đó nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương có xu hướng tăng dần và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất khoảng 65-70%.
Dự báo mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt.
Từ nay đến tháng 4/2023, bão và ATNĐ ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông nhưng nhiễu động nhiệt đới còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông.
Từ tháng 5-7/2023 bão/ATNĐ trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ TBNN và có khả năng xuất hiện từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ từ khoảng tháng 3; sau đó gia tăng về cường độ và lan sang khu vưc Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ vào tháng 4-5/2023.
Tháng 6-7/2023 nắng nóng xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Nhiệt độ trung bình tháng 2/2023 ở Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN, khu vực Trung Bộ thấp hơn TBNN khoảng 0,5 độ C độ, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ thấp hơn từ 0,5-1,0 độ C. Tháng 3-4/2023 nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C, khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.
Việt Nam lần đầu tổ chức giải bơi biển quốc tế Oceanman
Theo Người lao động, sự kiện Bơi biển quốc tế The Arena Oceanman Cam Ranh Việt Nam 2023 thuộc hệ thống giải bơi biển quốc tế lớn nhất thế giới Oceanman.
Giải Oceanman đã có mặt tại 23 quốc gia và Việt Nam là quốc gia thứ 24 đăng cai tổ chức. Đây cũng là giải bơi biển lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.
Giải được tổ chức ở khu vực Bãi Dài, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16/4 năm 2023 tại The Arena Cam Ranh.
Hiện có hơn 600 vận động viên đăng ký tham gia, trong số đó hơn 50% đến từ hơn 30 tỉnh thành ở Việt Nam và số còn lại là các vận động viên từ 21 nước khác. Vận động viên nhỏ nhất tham gia là 8 tuổi và cao nhất là 63 tuổi.
Khu vực biển tại Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng và giải trí The Arena Cam Ranh là nơi diễn ra giải bơi biển Oceanman. (Ảnh: NLĐ)
Giải đấu gồm nhiều cự ly và hình thức thi đấu như: Oceanman bơi 10km, bán Oceanman dài 5km, Sprint dài 2km, Oceanteams với thể thức thi đấu đồng đội tiếp sức mỗi đội 3 người bơi 800m, Oceankids (dành cho trẻ em) cự ly 800m.
Bên cạnh đó, giải còn có thi đấu chèo SUP với quy mô hơn 100 vận động viên trong và ngoài nước tham dự, diễn ra ngày 15/4.
Các vận động viên có thành tích tốt tại Giải bơi biển quốc tế The Arena Oceanman Cam Ranh Việt Nam 2023 sẽ có cơ hội tham gia Giải chung kết Oceanman Thế giới 2023 diễn ra tại Phuket, Thái Lan.
Hàng trăm ha mía cháy bất thường, Gia Lai chỉ đạo hỏa tốc
Theo thống kê của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 11/2, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 250ha mía cháy, tăng hơn gấp 5 lần so với vụ mía năm 2022. Theo đánh giá của địa phương, tình trạng mía cháy như hiện nay có dấu hiệu bất thường hơn so với mọi năm, quy mô cháy lớn và liên tục.
Do đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã có sản xuất mía đường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống cháy mía trong mùa khô; việc đốt, dọn rẫy mía sau thu hoạch phải tuân thủ quy trình; thông báo cho chủ mía liền kề và chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát, tránh tình trạng cháy lan; phổ biến về các hành vi đốt mía, phá hoại sản xuất là vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng công an tiến hành điều tra, xác định nguyên nhân cháy và xử lý theo quy định pháp luật.
Khi mía cháy chưa thu hoạch hết thì ngọn lửa lại tiếp tục bùng phát ở nhiều diện tích khác. (Ảnh: CAND)
Ngoài ra, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các công ty, nhà máy đường trên địa bàn tỉnh ưu tiên thu mua sớm nhất diện tích mía bị cháy và hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với nông dân; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để triển khai công tác phòng chống cháy mía trong mùa khô. Xây dựng phương án và tổ chức thu mua mía, chế biến khoa học, kịp thời, đúng thời điểm mía chín; công khai, minh bạch trong xác định đúng chữ đường và tạp chất; thực hiện đúng, đầy đủ các điều khoản đã ký kết với người dân.
Việt Hương (T/h)