Giải thể, sắp xếp lại một số vụ, cục của Bộ Y tế
Ngày 15/11, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2022/NĐ-CP quy định chức năng, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2022 thay thế Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.
Theo nghị định này, Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số, sức khỏe sinh sản; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Tại nghị định này, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế có 21 vụ, cục, đơn vị gồm: Vụ Bảo hiểm y tế; Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; Cục Y tế dự phòng; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Cục Quản lý Môi trường y tế; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Cục Quản lý Dược; Cục An toàn thực phẩm; Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế; Cục Dân số; Viện Chiến lược và Chính sách y tế; Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia; Báo Sức khỏe và Đời sống.
"Tổng cục Dân số, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục Công nghệ thông tin, Tạp chí Y Dược học tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dân số, Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia thuộc Bộ Y tế"- nghị định nêu rõ.
Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế. (Ảnh: NLĐ)
Như vậy, theo nghị định này, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng thuộc Bộ Y tế chính thức giải thể. Cùng đó, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nay là Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế và Cục Công nghệ thông tin là Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia.
Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng là vụ tổng hợp thuộc Bộ Y tế, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý về hoạt động truyền thông, giáo dục sức khoẻ; cung cấp thông tin y tế; quản lý báo chí, xuất bản và công tác thi đua, khen thưởng trong ngành y tế. Hiện tại Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng có 1 vụ trưởng và 2 phó vụ trưởng.
Thời gian qua, công tác truyền thông trong lĩnh vực sức khỏe - y tế được dư luận đánh giá cao. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, công tác truyền thông phòng, chống dịch của ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, bám sát, thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Qua đó, đóng góp vào thành công chung công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đoạn quốc lộ ở Hà Nội bị phủ trắng như tuyết
Ngày 15/11, nhiều người đi qua quốc lộ 5 đoạn qua huyện Gia Lâm (Hà Nội) chứng kiến cảnh con đường bị bao phủ bởi một màu trắng xoá.
Khu vực xảy ra sự việc kéo dài hơn 100 m theo hướng Hà Nội - Hải Phòng đoạn qua nhà thi đấu huyện Gia Lâm. Những hình ảnh về con đường này được nhiều người đưa lên mạng xã hội.
Chỉ huy Đội CSGT số 5, Phòng CSGT Công an Hà Nội xác nhận sự việc và cho rằng có thể đây là bột từ một phương tiện đang lưu thông làm rơi vãi ra đường.
Đoạn đường bị phủ trắng xóa: (Ảnh: MXH)
"Chúng tôi đang kiểm tra đây là bột gì, đồng thời đã liên hệ đơn vị môi trường để phối hợp dọn sạch đường", vị này thông tin với báo chí.
Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin "'nơi sinh" vào hộ chiếu mới
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vào chiều 15/11. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 6 luật và 13 nghị quyết.
Một trong những nội dung đáng chú được nêu trong Nghị quyết là việc Quốc hội đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đồng ý áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.
Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Việt Hương (T/h)