Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi
Ủy ban Nhân dân thành phố TP.Hà Nội vừa giao các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội triển khai nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua WB để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị số 6.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án Hỗ trợ kỹ thuật để lựa chọn các công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).
Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu trong nội dung nghiên cứu cần đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi để có thể huy động được các nguồn vốn tham gia đầu tư, trong đó nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) để khai thác các không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, các khu đất lân cận của tuyến đường (đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối) để có thể thu hồi một phần vốn đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Đến nay, Hà Nội đã đưa vào khai thác vận hành đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông. (Ảnh: Vietnam+)
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp với nhà tài trợ lập Văn kiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, quy định về quản lý sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và quy định của nhà tài trợ.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại vụ, Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn để Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ theo đúng quy định.
Kịp thời cứu tàu cá và 12 ngư dân gặp nạn trên vùng biển Trường Sa
Chiều 13/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Thuận cho biết, một tàu cá ngư dân Ninh Thuận, trên tàu có 12 thuyền viên gặp nạn trên biển đã được tàu Trường Sa 01 kịp thời cứu nạn, lai dắt đến nơi neo đậu an toàn.
Trước đó, chiều 12/10, trong lúc tàu Trường Sa 01 đang tuần tra gần nhà giàn DK1 ở vùng biển Trường Sa, huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), thì nhận được thông tin tàu cá NT 02088TS do ông Lê Hải Phương, trú ở xã Thành Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) làm thuyền trưởng, bị hư hỏng hộp số, không thể khắc phục được. Tàu cá này đang trôi dạt, chao lắc trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, sóng gió xô đập dữ dội nên 12 ngư dân trên tàu hoảng loạn, đề nghị hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp.
Tàu Trường Sa 01 tiếp cận cứu nạn tàu cá NT 02088TS. (Ảnh: CAND)
Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh từ Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân ở TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), thuyền trường tàu Trường Sa 01 khẩn trương cho tàu vượt sóng gió, tăng tốc về phía vùng biển nhà giàn DK1 hơn 3 giờ và đã tìm thấy tàu cá NT 02088TS đang trôi cách nhà giàn DK1 về phía Tây Nam khoảng 12 hải lý.
Bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, đến 4h30’ sáng 13/10, tàu Trường Sa 01 đã lai dắt tàu cá cùng 12 ngư dân đến nơi neo đậu an toàn để chăm sóc sức khỏe và khắc phục sự cố hỏng máy của tàu cá.
Nhiều tuyến đường ở Quảng Nam vẫn còn ngập, sạt lở gây chia cắt
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cập nhật lúc 8h ngày 13/10, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đang sạt lở, ngập lụt.
Cụ thể, tuyến ĐT 612 tắc đường tại Km 1+560 do ngập nước (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình), ĐT.611B tắc đường tạm tại công trình Cầu Liêu (Km 1+255, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn) do xói lở.
ĐT613B tắc đường tại KM 37+300 do ngập sâu 0,6m (xã Tam Hoà, huyện Núi Thành), ĐT 615 tắc đường tại Km 7+900 do ngập từ 0,5-0,7 m (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ), ĐT 617 ngầm sông Nga bị xói lở tại Km 14+950 (xã Tam Trà, huyện Núi Thành).
Việt Hương (T/h)