Voi rừng ngang nhiên vào nhà dân tìm thức ăn, phá tài sản
Thông tin với Dân trí vào chiều 11/6, ông Lương Văn Biết, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), cho biết, trên địa bàn xã này có voi vào nhà dân phá rau màu, tài sản.
Theo đó, rạng sáng 11/6, một con voi lớn bất ngờ vào nhà người dân trên địa bàn xã Nam Sơn, giáp ranh với xã Bắc Sơn. Con voi này vào phá một số hoa màu trong vườn rồi vào trong nhà để lục lọi thức ăn.
Quá trình lục lọi thức ăn, con voi này đã xô đổ những tấm gỗ làm nhà của người dân. Sau khi tìm thấy cây chuối, con voi ăn ngấu nghiến và đi ra ngoài.
Phát hiện có voi lớn xuống khu vực dân cư, người dân đã hô hoán, đánh trống và đốt lửa xua đuổi. Sau khi bị xua đuổi, con voi này đã lẩn trốn vào rừng.
Voi xuất hiện trong nhà dân xã Nam Sơn, Quỳ Hợp. (Ảnh cắt từ clip).
Theo Chủ tịch xã Nam Sơn, con voi sinh sống trên rừng ở khu vực này đã vài chục năm qua.
"Đây là một con voi cái, thi thoảng nó xuống phá rau màu, tìm thức ăn chứ không hại người. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng liên tục tuyên truyền để người dân cảnh giác và tìm cách xua đuổi an toàn mỗi khi voi xuống tìm thức ăn", ông Lương Văn Biết nói.
Cụ bà đi lạc trên cầu Chương Dương, được CSGT tìm người thân
Vietnamnet đưa tin, chiều 11/6, đại diện Đội CSGT đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị vừa giúp đỡ một cụ bà bị lạc đường tìm được người thân.
Cụ thể, hồi 12h15 cùng ngày, khi làm nhiệm vụ trực chốt phía Nam cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tổ công tác của Đội phát hiện cụ bà khoảng 75 tuổi đang đi lang thang trên cầu nên kịp thời ngăn dòng xe đưa bà cụ vào chốt.
Quá trình thăm hỏi, cụ bà không nhớ tên, tuổi địa chỉ gia đình. Nhận thấy cụ bà và có dấu hiệu mệt mỏi, không ổn định về sức khỏe nên các chiến sĩ đưa về trụ sở đơn vị nghỉ ngơi và ăn uống nhẹ.
Lực lượng CSGT đưa cụ bà vào chốt tránh nắng. (Ảnh: CA)
Cán bộ, chiến sĩ của Đội đã liên hệ với công an các phường lân cận để thông báo tìm người thân cho cụ bà.
Đến chiều cùng ngày, anh N.B.T. (SN 1973 , trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tới trụ sở Đội CSGT đường bộ số 1 đón mẹ về.
Theo anh T., mẹ anh là bà T. (SN 1947) có trí nhớ không tốt, do tuổi cao sức yếu nên gia đình vẫn cắt cử người trông nom và nhờ bà con khối phố để ý giúp khi bà ra khỏi nhà. Đây là lần đầu tiên bà T. đi lạc. Rất may nhờ có CSGT trợ giúp, nếu không gia đình không biết hậu quả sẽ thế nào.
76 tỷ đồng phục hồi đàn sếu ở Tràm Chim
Thông tin được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho biết trên VnExpress ngày 10/6.
Ngoài kinh phí nuôi và thả sếu ra tự nhiên, dự án sẽ dành 13 tỷ để cải thiện sinh cảnh cho đàn sếu, 6 tỷ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và 8 tỷ đồng quảng bá du lịch,...
Dự án phục hồi đàn sếu phương Đông được phê duyệt trong bối cảnh Vườn quốc gia Tràm Chim vắng bóng sếu đầu đỏ hai năm liên tiếp.
Đây là năm thứ ba ghi nhận sếu không quay về trong khi tổng đàn sếu ngoài tự nhiên đang suy giảm nghiêm trọng. Trong những năm 1990, đàn sếu ở Tràm Chim lên đến cả nghìn con, được ghi nhận là nơi có đàn sếu đông nhất Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, Đồng Tháp sẽ nhận chuyển giao sếu từ Thái Lan, chăm sóc, huấn luyện với "giáo án" không làm thay đổi tập tính sống hoang dã. Tỉnh này kỳ vọng trong 10 năm sẽ nuôi, thả 150 con sếu, ít nhất có 100 con sống sót, sau đó chúng tự nhân đàn.
Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nguyễn Văn Hùng)
Sếu đầu đỏ có điểm nổi bật là phần đầu, cổ trụi lông, màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu màu xanh sừng, chân đỏ. Con trưởng thành cao 1,5-1,8 m, sải cánh 2,2 - 2,5 m, nặng 8-10 kg.
Theo số liệu từ Hội sếu quốc tế, sếu tự nhiên giảm hơn 80% trong 10 năm trở lại đây, hiện chỉ còn khoảng 160 con. Với tốc độ suy giảm nhanh, các chuyên gia dự báo tương lai không xa đàn sếu này có thể hoàn toàn biến mất.
Việt Hương (T/h)