Yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo cá độ bóng đá trên xe buýt
Thông tin trên được Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết sáng 10/6.
Tri thức trực tuyến cho hay, sau khi kiểm tra, xác minh thông tin một số xe buýt trên địa bàn có dán nội dung quảng cáo vi phạm, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp gỡ bỏ ngay toàn bộ quảng cáo không phù hợp; đồng thời báo cáo cụ thể về việc này.
Trước đó, theo phản ánh, trên các xe buýt mang biển kiểm soát 29B-046.77; 29B-506.75 của Công ty Bảo Yến có dán hình quảng cáo một trang web cá độ núp dưới hình thức xổ số truyền thống và bóng đá.
Xe buýt của Công ty Bảo Yến Bus quảng cáo trang web cá độ bóng đá. (Ảnh: Báo Giao thông)
Theo lộ trình, các xe buýt mang thông tin cổ xúy cho cá độ này hoạt động trên các tuyến đường thuộc nhiều quận, huyện ở Hà Nội như Tây Hồ, Long Biên, Đông Anh.
Những hành vi quảng cáo cho website đánh bạc trái phép bị cấm theo luật quảng cáo của Việt Nam. Điều 51 Nghị định 158 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về nội dung cấm trong hoạt động quảng cáo với mức phạt tiền từ 1 triệu đến 90 triệu đồng.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các hành vi vi phạm nêu trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại Điều 197 Bộ luật hình sự.
Chiến sĩ Công an xã giúp người khuyết tật về nhà an toàn trước cơn dông
Theo VOV, ào khoảng 17h ngày 9/6, trên đường đi công tác, 2 cán bộ chiến sĩ Công an xã Liên Hoà, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã gặp đôi vợ chồng bị câm điếc bẩm sinh đang đi bộ từ bản Chiềng Đa, xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ về nhà tại bản Suối Ngoã, xã Hua Păng, huyện Mộc Châu (Sơn La), khoảng cách 30km.
Lúc này trời đã nhá nhem tối, lại sắp mưa giông, 2 cán bộ chiến sĩ hỏi thăm, nhưng vợ chồng vốn câm điếc, nên chỉ sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp.
Cán bộ Công an xã giúp vợ chồng người khuyết tật trở về nhà an toàn trước cơn dông. (Ảnh: VOV)
Sau khi nắm được thông tin hai vợ chồng muốn về nhà tại xã Hua Păng, huyện Mộc Châu, 2 cán bộ Công an xã Liên Hoà đã đưa cả hai về nhà an toàn.
Việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của cán bộ chiến sĩ Công an xã Liên Hoà, huyện Vân Hồ mang tính nhân văn sâu sắc, tô đẹp thêm hình ảnh của người chiến sĩ Công an vì nhân dân phục vụ.
TP.HCM: Phát hiện 5 ca sốt rét, tập trung rà soát bệnh sử
Ngày 10/6, thông tin về tình hình bệnh sốt rét từ Sở Y tế TP.HCM, năm 2020 thành phố tiếp nhận điều trị 5 trường hợp sốt rét, trong đó có 1 ca sốt rét ác tính. Năm 2021 chỉ ghi nhận 2 trường hợp sốt rét theo cơn, không có trường hợp sốt rét ác tính, không có tử vong.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, số ca bệnh đang gia tăng so với cùng kỳ các năm trước với 5 trường hợp sốt rét đã được ghi nhận, trong đó có 2 trường hợp sốt rét ác tính là một du học sinh Việt Nam và một công dân Trung Quốc nhập cảnh từ châu Phi được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới.
Theo thống kê của Sở Y tế, thời gian qua bệnh nhân sốt rét được phát hiện trong nước, nhập viện và điều trị hầu hết là những trường hợp đi công tác tại vùng có sốt rét lưu hành ở Tây Nguyên, Bình Phước (xã Đak Ơ Bình Phước).
Thông tin chuyên môn từ Sở Y tế cho thấy, sốt rét là bệnh truyền nhiễm gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người bệnh sang người lành khi bị muỗi đốt. Muỗi Anopheles (còn gọi là muỗi đòn xóc) là trung gian truyền bệnh sốt rét.
Hầu hết các trường hợp sốt rét được phát hiện tại Việt Nam là bệnh nhân ở khu vực vùng sâu, vùng xa. (Ảnh: Tiền phong)
Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở ngoại cảnh, chỉ tồn tại trong máu người bệnh và trong cơ thể muỗi truyền bệnh sau khi chích người bệnh. Do đó điều kiện để lây truyền bệnh sốt rét là phải có muỗi Anopheles và có người đang bị bệnh (mang ký sinh trùng trong máu).
Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng là thể sốt rét ác tính như biến chứng não gây hôn mê sâu, co giật, suy gan, suy thận, thiếu máu nặng, tiểu huyết cầu tố do vỡ hồng cầu hàng loạt dẫn tới nguy cơ tử vong cao.
Những người chưa từng bị sốt rét (chưa có miễn dịch) là nhóm có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nặng và tử vong khi nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Nhóm này cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời.
Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận một trường hợp có biểu hiện sốt cần chú ý khai thác yếu tố tiền sử đi lại của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đi từ các vùng có sốt rét lưu hành về thì cần nghĩ ngay đến bệnh sốt rét và tiến hành xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét để kịp thời điều trị, ngăn ngừa biến chứng nặng và tử vong.
Việt Hương (T/h)