Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin thời sự mới nóng nhất 10/8: Đề nghị các nước láng giềng hỗ trợ ngư dân tránh trú bão

  • Việt Hương
(DS&PL) -

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 10/8/2022. Cập nhật tin tức thời sự 24h nóng nhất ngày 10/8/2022 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đề nghị các nước láng giềng hỗ trợ ngư dân tránh trú bão

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa ký công điện khẩn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc ứng phó với cơn bão số 2.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều 9/8, ATNĐ đã mạnh lên thành cơn bão số 2. Vào hồi 16h vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 320km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.

Từ chiều tối ngày mai (10/8) đến ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.

Các địa phương khẩn trương thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Hình minh họa.

 

Các địa phương sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các quốc gia trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho ngư dân và tàu cá vào tránh trú và hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiểm đếm, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền; rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.

Ngao tự nhiên chết bất thường, trôi dạt vào bờ biển Thanh Hóa

Chiều 9/8, ông Phạm Văn Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết trên TTXVN, trong ngày trên địa bàn phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn xuất hiện hiện tượng ngao chết với nhiều vỏ ngao tự nhiên trôi dạt vào bờ biển với số lượng lớn.

Theo đó, lượng ngao trôi dạt vào bờ trên bờ biển phường Hải Lĩnh với khối lượng lớn, tập trung thành những đống to, nhỏ khác nhau nhưng không có ruột bên trong, chỉ có lớp vỏ ngoài nên không gây ra mùi hôi, thối.

Theo các nhà chuyên môn, loại ngao chết trôi dạt vào vùng biển phường Hải Lĩnh được xác định là loài ngao tím có tên khoa học là Mactra Violacea, kích cỡ khoảng 30 - 40 con/kg, nằm trải dài dọc bờ biển 3 km, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố Hồng Phong, Đại Thắng với khối lượng ước khoảng 3 tấn vỏ.

Ngao chết bất thường. (Ảnh: TTXVN)

 

Theo phản ánh của người dân địa phương, cứ vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, vùng biển này thường có hiện tượng ngao, sò, ốc… chết và trôi dạt vào bờ, nhưng với số lượng không nhiều. Đây là năm đầu tiên vùng biển này có khối lượng ngao chết trôi dạt vào bờ nhiều như thế.

Cũng trong chiều 9/8, Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu. Theo đó, đây là hiện tượng ngao tự nhiên chết ngoài biển có thể là do thay đổi độ mặn đột ngột trong mùa mưa lũ nên vỏ trôi dạt vào bờ.

Trẻ mắc Covid-19 nhập viện tăng, lãnh đạo TP.HCM lo lắng

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã bày tỏ lo lắng tại cuộc họp với các sở, ngành liên quan về kết quả sau 1 tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn TP.

Theo đó tại buổi họp, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngành y tế TP đã soạn sẵn tin nhắn để gửi cho Sở Giáo Dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM gửi tin nhắn cho các bậc phụ huynh cho học sinh đi tiêm, nhưng khi khảo sát không có phụ huynh nào nhận được.

Lý giải về những băn khoăn của đại diện Sở Y tế, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận việc phối hợp thông tin trong thời gian qua với các trường chưa được đầy đủ.

Trong thời gian tới, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT bắt đầu ngày 22/8 học sinh sẽ quay lại trường. Vì vậy, ngoài việc xây dựng thông tin trên website của Sở GD-ĐT thì sở sẽ yêu cầu các trường rà soát danh sách trẻ chưa tiêm các mũi vắc-xin để bổ sung. Đồng thời, chủ động nhắn tin cho các bậc phụ huynh để đăng ký và nắm được lịch tiêm.

Phát biểu tại buổi họp, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết mỗi ngày, số lượng mũi tiêm cao, điểm tiêm hiện nay không thể tổ chức mỗi trường một điểm tiêm như trước, mà phải cân nhắc tính toán số lượng để không tốn sức.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận 5, TP.HCM. (Ảnh: NLĐ)

"Hiện nay tôi rất lo lắng khi vừa mới có cuộc trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), số trẻ mắc Covid-19 nhập viện nặng chỉ trong vòng 2 ngày vừa qua đã tăng 8-10 ca, số ca gần như bằng 0 nay nhảy lên hàng chục ca mỗi ngày. Rõ ràng đó là tín hiệu đáng lo" - ông Đức nhấn mạnh.

Ông Dương Anh Đức đề nghị các ban ngành, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số lượng người tiêm, kế hoạch tiêm đến người dân, các trường cần liên tục báo cáo tiến độ tiêm vắc-xin. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế hỗ trợ các điểm tiêm hợp lý, tránh tình trạng xe cấp cứu ở gần để khiến phụ huynh và học sinh dễ nhìn thấy, tạo tâm lý hoang mang. Khu vực chờ sau tiêm đảm bảo thiết bị y tế cấp cứu và phân luồng hợp lý.

Việt Hương (T/h)

Tin nổi bật