Thành phố sẽ huy động máy bơm để ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội đô, theo Sở Xây dựng TP.HCM.
Theo VnExpress, nội dung được ông Phạm Công Đô, Phó phòng Quản lý hạ tầng thoát nước, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, nói tại cuộc họp kinh tế, xã hội thành phố, chiều 23/5. Đây là một phần trong công tác đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2024 khi tình hình thời tiết được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường.
Trung tâm sẽ tổ chức trực, huy động máy bơm, thiết bị để kịp thời ứng cứu các điểm ngập nặng phát sinh trong khu vực nội đô. Đơn vị này sẽ theo dõi triều cường, phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các máy bơm, trạm bơm (cố định và di động), cống kiểm soát triều để kịp thời xử lý.
Theo ông Đô, ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, việc nạo vét hệ thống thoát nước trên các tuyến đường thường xuyên bị ngập úng do mưa lớn, triều cường cũng được tăng cường thực hiện.
Nắp cống trên đường Lê Văn Ninh (TP Thủ Đức) bung nắp cống khiến nước trào lên trong cơn mưa chiều 20/5. (Ảnh: VNE)
Các hố ga bị sụt lún, mất nắp, vênh cao, hư hỏng sẽ được kiểm tra, sửa chữa, thay thế để đảm bảo an toàn giao thông. Đơn vị cũng kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đường phố, công viên để đốn hạ, trồng thay thế những cây bị sâu bệnh, già cỗi... có khả năng gãy đổ.
Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ tăng cường công tác nạo vét hệ thống sông, kênh, rạch, làm phẳng, trải nhựa mặt đường bị oằn lún cục bộ, đọng nước.
Tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết trên VietnamNet, trong sáng 23/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã đến kiểm tra hiện trường sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh, đoạn qua huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Theo Thứ trưởng, tuyến đường sắt Bắc - Nam khai thác từ rất lâu nên có dấu hiệu xuống cấp. Bộ GTVT cũng đã có kế hoạch sửa chữa, trong đó thực hiện dự án đường sắt gói 7.000 tỷ vốn trung hạn, đến nay đã có 9/11 hầm đường sắt được cải tạo.
"Đặc điểm của đường sắt là đường đơn, vừa cải tạo vừa khai thác. Do đó phải thi công theo trình tự chứ không thể làm đồng loạt. Hiện còn hầm Bãi Gió (Khánh Hòa) và Chí Thạnh đang cải tạo thì xảy ra sạt lở.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy (thứ hai từ trái sang) kiểm tra thực tế tại hầm Chí Thạnh. (Ảnh: VNN)
Địa chất khu vực Phú Yên, Khánh Hòa tương đối phức tạp, kết cấu không phải đá cứng mà là đất rời rạc. Cả hai hầm đều có tuyến đường bộ chạy trên đỉnh hầm đang khai thác, lưu lượng phương tiện cao. Thời gian gần đây trên địa bàn liên tục có mưa, dẫn đến đất đá bị sạt", Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng, rút kinh nghiệm từ vụ sạt lở hầm Bãi Gió tháng trước, các đơn vị liên quan đã tham khảo chuyên gia về hầm, thu hẹp chiều dài vỏ hầm cũ bị phá dỡ để nâng cấp. Do đó, dù xảy ra sạt lở do sự cố bất khả kháng nhưng người và thiết bị không bị ảnh hưởng.
"Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục trưởng Cục đường sắt, Ban quản lý dự án 85 và các lực lượng liên quan trực 24/24h tại hiện trường. Mục tiêu là thông tàu sớm nhất nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho công nhân, cán bộ tham gia khắc phục sự cố", Thứ trưởng cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, sẽ thông tàu trong 2-3 ngày tới.
Theo VOV, ngày 24/5, Công an TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương phối hợp với các đơn vị liên quan đang khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ nổ cục nóng máy lạnh khiến 3 người bị thương.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11h sáng nay, tại một khách sạn trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, một đội thợ được thuê đến sửa chữa máy lạnh.
Lúc đang sửa chữa dưới tầng hầm khách sạn, bất ngờ cục nóng máy lạnh phát nổ khiến 3 người thợ bị thương. Hai nạn nhân là nhân viên đội sửa chữa và một người là bảo vệ nhà xe của khách sạn.
Cửa kính trong khu vực tầng hầm khách sạn bể vỡ. (Ảnh: VOV)
Cả 3 nạn nhân được lập tức đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Nhận được tin báo, lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an TP.Thủ Dầu Một đã điều xe, phương tiện đến hiện trường để đề phòng nguy cơ cháy nổ.
Rất may vụ nổ không gây hỏa hoạn, chỉ làm vỡ một số cửa kính trong tầng hầm khách sạn.