Theo VTC News, ngày 1/11, thông tin từ Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trong tháng 10/2024, có tới 60 trận động đất độ lớn từ 2.5 đến 4.1 tại huyện Kon Plong, Kon Tum.
Trong đó một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: Ngày 5/10 xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 4.1; Ngày 12/10 xảy ra 6 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.8; ngày 14/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.4; Ngày 22/10 xảy ra 5 trận động đất có độ lớn từ 2.8 đến 3.5; đáng chú ý nhất là ngày 7/10 xảy ra 10 trận liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 3.5.
Như vậy so với tháng 9/2024 trước đó là 32 trận xảy ra tại khu vực huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum), tần suất động đất xảy ra trong tháng của tỉnh kon Tum đã tăng gần gấp đôi (tăng 28 trận).
Theo Viện Vật lý Địa cầu, các trận động đất tại Kon Plong trong thời gian qua là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Kon Tum có hơn 400 trận động đất. (Ảnh: VTC News)
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.
Viện Vật lý Địa cầu cũng nhận định, động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn và gây ảnh hưởng đến ở khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, nhất là vùng tâm chấn. Do đó, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão Trà My, mưa lũ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng với 14 người thương vong (trong đó có 7 người chết, 7 người bị thương).
Huyện Lệ Thủy là địa phương có 5 người chết, Quảng Ninh 1 người và thành phố Đồng Hới 1 người.
“Số liệu của chúng tôi cập nhật đến hiện nay là 5 người chết, nếu những trường hợp xã chưa báo cáo kịp thì bổ sung sau vì chúng tôi vẫn đang còn tiếp tục xác minh”, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thúy cho biết trên VietnamNet.
Công an Quảng Bình giúp các trường học dọn dẹp sau lũ. (Ảnh: VNN)
Toàn tỉnh cũng ghi nhận 9.290 hộ dân phải sơ tán khẩn cấp, trong khi nhà cửa của 34.488 hộ dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới bị ngập lụt.
Ngoài ra, 84 điểm trường học bị ảnh hưởng, trong đó có 486 phòng học chìm trong nước. Khoảng 10km đường giao thông bị sạt lở và hư hỏng nặng, với hơn 3.030m3 đất đá bị cuốn trôi. Mưa bão cũng đã làm chìm 5 tàu cá của ngư dân.
Mưa lũ làm ngập úng 790ha diện tích hoa màu của hàng ngàn hộ dân gây hư hại... Ước tính tổng thiệt hại ban đầu do bão số 6 gây ra lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Theo VOV, cơn bão số 3 (Yagi) đã khiến hơn 2.100 căn nhà tại Bắc Kạn bị ảnh hưởng, trong đó 352 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp do sạt trượt, hàng chục căn nhà sập đổ, hư hỏng hoàn toàn. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 34 điểm dân cư sạt lở và có nguy cơ cao sạt lở rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt của 555 hộ với hơn 2.200 nhân khẩu.
Tuy nhiên, để hỗ trợ tái định cư và ổn định tại chỗ cho các hộ dân này cần số kinh phí lên đến hàng trăm tỷ nên địa phương không thể tự cân đối được. Mặt khác, nhiều khu vực thiếu quỹ đất khiến việc tái định cư chưa thể thực hiện ngay và nhiều hộ dân vẫn đang phải ở nhờ nhà người thân hoặc tạm trú trong các lán, trại ở khu vực an toàn.
Bộ đội, nhân dân giúp dựng những lều bạt để người dân bị sạt lở ở tạm. (Ảnh: VOV)
Sau bão số 3, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp 11,2 tỉ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng cho các địa phương để khắc phục thiệt hại. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã phát động và tổ chức quyên góp ủng hộ được 36,3 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân; 40 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ Trung ương chuyển về; 263 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm. MTTQ tỉnh Bắc Kạn đã phân bổ trước mắt 18 tỷ đồng cùng toàn bộ số gạo, nhu yếu phẩm cho các huyện, thành phố đảm bảo người dân không bị thiếu đói sau mưa lũ.
Song song với đó, các địa phương đang tập trung nguồn lực, gấp rút xử lý điểm sạt lở, hỗ trợ tái định cư cũng như đảm bảo cuộc sống cho các hộ bị mất nhà cửa, các hộ đang phải ở trong lán tạm.