Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tìm cách né cách ly hoặc khai báo gian dối dịch tễ COVID-19: Bản án lương tâm và căn cứ xử lý hình sự

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện tình huống người cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh hoặc tìm cách để trốn cách ly hoặc sợ cách ly đối với dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện tình huống người cố tình khai báo gian dối về dịch bệnh hoặc tìm cách để trốn cách ly hoặc sợ cách ly đối với dịch bệnh COVID-19. Điều này là rất đáng quan ngại, đặc biệt là hậu quả xảy ra rất lớn cần phải có biện pháp xử lý nghiêm để cảnh tỉnh người khác.

Nếu chỉ cách ly 1 người thì công việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, đỡ tốn kém chi phí và đặc biệt là giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng

Sự phẫn nộ của cộng đồng với hành vi tồi tệ

Dư luận đang dậy sóng với trường hợp “cô gái Hà Nội”, khi cho rằng, cô này đã không trung thực trong việc khai báo các thông tin về dịch tễ và lịch trình đi lại. Hậu quả làcó sự gia tăng ca bệnh mới trong thời gian ngắn.

Trong khi đó, Hà Nội và cả nước đang phải thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, khi đã có người nhiễm ở nhiều địa phương khác nhau. Từ đây, dư luận và người dân đặt ra vấn đề là phải xử lý như thế nào đối với những hành vi này?

Thực tế, trước đó, nhiều người cũng đã cố tình gian dối khi khai báo lịch trình di chuyển để để trốn cách ly. Vụ việc “cô gái ở Bình Dương” đi từ Daegon (Hàn Quốc)- thời điểm đang là tâm điểm của dịch trốn cách ly còn khoe chiến tích trên mạng xã hội vẫn chưa hết nóng. Hay như mới đây “ông Chủ tịch HĐQT” một doanh nghiệp tại Quảng Trị “đánh tráo người” đi cách ly... lại khiến dư luận càng phẫn nộ hơn.

Đấy cũng chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không phải hiện tượng phổ biến nhưng số ít người lại đang gây ra những hậu quả hết sức tai hại, khiến cho hệ thống phòng dịch COVID-19 của cả nước phải chống đỡ hết sức vất vả. Hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt, để bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân mới là điều quan trọng. Chính phủ cũng có chỉ đạo phải xử lý nghiêm đối với những người có hành vi khai báo gian dối, giấu và trốn cách ly, không tuân thủ quy trình về y tế.

Tất cả đều đồng quan điểm là phải xử lý nghiêm, tránh lặp lại trường hợp tương tự.“Tôi cho rằng, cần phải xử lý nghiêm trường hợp cần thiết thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Điển hình như ông Chủ tịch HĐQT công ty điện gió ở Quảng Trị là phải khởi tố. Nếu như ông ấy bị nhiễm bệnh thì sẽ gieo rắc mầm bệnh cho rất nhiều người khác, ngay cả những người thân xung quanh ông ấy. Một khi ông ấy đã không quan tâm đến người khác thì việc áp hình phạt tương thích, đó là điều đương nhiên”, bà Nguyễn Thị Hải Hà, một cán bộ hưu trí tại quận Bình Thạnh, TP.HCM nhấn mạnh.

LS Nguyễn Văn Thắng (TP.HCM) cho biết: “Cuối tháng 1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng mới của virus Corona. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải ký quyết định để công bố dịch. Như vậy, ai cũng có thể hiểu rằng là dịch bệnh này không hề đơn giản, mà nó cực kỳ nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao.

Vì vậy, căn cứ theo các quy định hiện hành thì những hành vi như trốn cách ly hay không khai báo trung thực về dịch tễ, dẫn tới nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240, Bộ Luật Hình sự 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Cũng theo LS Thắng: “Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị phạt tù đến 10 năm, nếu như cá nhân đó gây ra hậu quả dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; hoặc làm chết người. Nhẹ hơn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Còn đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người có thể bị phạt tù đến từ 10 đến 12 năm, nếu thuộc một trong các trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; làm chết 2 người trở lên. Ngoài ra, chúng ta cũng đang có một số quy định liên quan về xử lý đối với các hành vi này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để xử lý”.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Hiếu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cho biết: “Theo thông tin tôi tìm hiểu, nhiều nước cũng đã đưa ra những những đạo luật nghiêm khắc để xử lý các hành vi trốn cách ly, che giấu thông tin về dịch tễ. Điển hình như tại Singapore, nếu ai vi phạm, đặc biệt là che giấu thông tin về dịch bệnh thì có thể bị phạt tù tới 6 tháng hoặc 10.000 đô la Singapore, dù là lần đầu vi phạm.

Tương tự Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua đạo luật nhằm chống lại sự bùng phát của dịch bệnh, đồng thời, quy định những hành vi bị xử phạt. Trong đó, những người cố tình vi phạm Lệnh cách ly sẽ phải nhận mức án tù lên tới 1 năm hoặc khoản tiền phạt tới 10 triệu Won (tương đương hơn 8.000 USD)....”.

Nhận “bản án” tâm lý suốt đời

Nói về tình trạng này, TS Hiếu nhìn nhận: “Thực tế không chỉ tại Việt Nam mà ở một số quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh covid-19, những cá nhân như nêu trên sẽ là những mối nguy cho cộng đồng.

Về mặt hậu quả ai cũng có thể thấy rõ rồi. Tuy nhiên, đối với cá nhân này tôi cho rằng họ cũng đang phải đối mặt với bản án về mặt đạo đức, khi bị dư luận lên án một cách mạnh mẽ trong thời gian qua. Nếu họ tiếp cận và biết được các thông tin này, tôi cho rằng, họ sẽ cũng phải trải qua một cuộc chiến về mặt tâm lý khi bị sức ép và lên án mạnh mẽ từ dư luận. Chưa bàn đến việc áp các chế tài xử lý từ các cơ quan chức năng nhưng đó cũng là bản án đau khổ về mặt tư tưởng, tâm lý”.

Cũng theo TS Hiếu thì: “Sau khi kết thúc điều trị bị nhiễm dịch bệnh hoặc hết thời gian cách ly, họ cũng phải đối mặt với “bản án” tâm lý đó suốt đời. Đó sẽ là bài học xương máu cho chính bản thân họ và những người khác khi còn ý tưởng sẽ trốn cách ly hoặc che giấu thông tin về dịch tễ.

Do đó, những người thuộc diện phải cách ly để theo dõi bệnh tật dịch bệnh ảnh hay những người có thông tin tin về sức khỏe của mình có các dấu hiệu liên quan của dịch bệnh thì cần phải thực hiện nghiêm các quy định về cách ly và thăm khám. Việc này vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng thời, bảo vệ những người xung quanh và cộng đồng. Từ đó, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, giống như như một số trường hợp thời gian qua”.

BS. Nguyễn Hải Minh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết: “Một người có dấu hiệu nguy cơ cố tình hoặc không chịu cách ly thì lại tiếp xúc với hàng loạt người khác, nhất là với những người thân trong gia đình và những người xung quanh.

Lúc đó, nếu phát hiện sớm thì phải cách ly toàn bộ những người đã tiếp xúc với người này. Và hậu quả đã lớn hơn, tốn kém hơn rất nhiều và ảnh hưởng đến người khác nhiều hơn. Nguy hiểm hơn, nếu như người này nhiễm bệnh có thể phải cô lập toàn bộ khu phố/làng/xã... nơi họ ở và sinh sống (trường hợp ở Trúc Bạch, Hà Nội)”.

“Đó là chưa tính tới trường hợp tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, có thể dẫn tới tử vong ở một số bệnh nhân khác. Do đó, những tưởng hành vi trốn cách ly hay che giấu thông tin là nhỏ bé nhưng hậu quả của nó lại khôn lường. Vì vậy, người dân cần phải nâng cao nhận thức để cùng chung tay với toàn xã hội nhằm phòng chống, kiểm soát dịch tốt hơn”, BS Minh nói thêm.

Về chế tài, LS Thắng chia sẻ thêm: “Rõ ràng là quy định trong phòng chống dịch đã có, vấn đề còn lại là cơ quan chức năng cần phải tổ chức thực hiện nghiêm, có tính chất làm gương để cho người khác không bắt chước, làm theo. Từ đó góp phần vào công tác phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh mới được hiệu quả và đồng bộ, tránh để một vài cá nhân làm ảnh hưởng đến toàn bộ cục diện phòng chống, kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam”.

Chí Thanh 

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống& Pháp luật số 41

Tin nổi bật