Báo Vietnamnet dẫn thông tin từ Tập điện Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời tiết nắng nóng khiên nhu cầu sử dụng điện tại miền Bắc tăng cao. Theo đó, sản lượng cực đại ngày là 477,9 triệu kWh, tăng 14,3 triệu kWh so với tuần trước. Công suất cực đại đạt 23.568MW, tăng 1.208 MW so với tuần trước.
Trong đó, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc lập mức đỉnh cao nhất là trưa 18/7 – số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia.
Tiêu thụ ở miền Bắc cao kỷ lục, liệu có lo thiếu điện? Ảnh: EVN
Tại Hà Nội, theo báo Thanh niên, ngày 29/7, Tổng công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI), cho biết do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng gay gắt, sản lượng tiêu thụ điện trên toàn thành phố liên tục tăng cao trong tuần từ ngày 21/7 – 27/7.
Đặc biệt, trong ngày 27/7, Hà Nội đã ghi nhận kỷ lục mới về sản lượng điện tiêu thụ trong ngày lớn nhất với trên 101 triệu kWh, vượt gần 1 triệu kWh so với sản lượng điện tiêu thụ trong ngày cao nhất năm 2022.
EVNHANOI cho hay, sản lượng điện tiêu thụ sinh hoạt tăng rất cao, phần lớn do nhu cầu sử dụng nhiều thiết bị làm mát. Thời tiết nắng nóng gay gắt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện.
Trong tuần qua, tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện quốc gia, bao gồm cả điện nhập khẩu đạt trên 5,8 tỷ kWh, trung bình ngày đạt 831,1 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát của thủy điện đạt trên 1.576 triệu kWh chiếm 27,1% tổng sản lượng nguồn phát và tăng 2,9% so với tuần trước.
Báo cáo cụ thể về các nguồn điện trong tuần qua, theo EVN, thuỷ điện huy động 1.576,7 triệu kWh, chiếm 27,1% tổng sản lượng nguồn phát và tăng 2,9% so với tuần trước. Mặc dù ảnh hưởng của bão số 1, tuy nhiên lượng nước về các hồ thuỷ điện không có biến động nhiều so với trước bão. Hiện nay, các hồ thuỷ điện miền Bắc tiếp tục vận hành hợp lý để duy trì mực nước trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ, tránh xả thừa.
Nhiệt điện than huy động 2.810,9 triệu kWh, chiếm 48,3% và tăng 7,6% so với tuần trước. Theo EVN, việc cấp than, khí cho phát điện được đảm bảo. Các hệ thống khí Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ vận hành bình thường. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện than đều có lượng than tồn kho đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, tổng sự cố dài ngày của nhiệt điện than vẫn chưa được khắc phục có tổng công suất là 1.440 MW, sự cố ngắn ngày 850 MW. Được biết, ngày 26/7, đoàn công tác của Bộ Công Thương tiếp tục đi kiểm tra, rà soát tình hình xử lý sự cố các nhà máy nhiệt điện khu vực phía Bắc. Trong đó, đoàn đã làm việc với các nhà máy nhiệt điện An Khánh và Cao Ngạn để đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ sửa chữa các tổ máy, sớm đưa vào vận hành phát điện trở lại.
Về năng lượng tái tạo, từ ngày 21/ - 27/7, tổng sản lượng điện gió huy động giảm 36,2% so với tuần trước đó, đạt 188 triệu kWh, chiếm 3,2% tổng sản lượng. Điện mặt trời mặt đất đạt 264 triệu kWh, chiếm 4,5% tổng sản lượng và giảm 1,21% so với tuần trước. Điện mặt trời mái nhà đạt 193,7 triệu kWh, chiếm 3,3% tổng sản lượng và tăng 6,13% so với tuần trước.
Dự báo thời tiết trong tuần này, khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to; nền nhiệt ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ giảm. Do đó, nhu cầu phụ tải hệ thống điện quốc gia trong tuần tới được dự báo thấp hơn so với tuần vừa qua.
Các nhà máy thuỷ điện sẽ được khai thác theo tình hình thuỷ văn thực tế và định hướng tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 7/2023, đáp ứng ràng buộc lưới điện, nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ. Đối với các nhà máy nhiệt điện than, dự kiến huy động theo nhu cầu hệ thống và sản lượng điện cam kết (nếu có), đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp, theo Vietnamnet.
Vân Anh (T/h)