Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cần làm rõ những gói thầu giá trị cao, tiết kiệm thấp tại Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc

(DS&PL) -

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, cho ý kiến về Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) có ý kiến đại biểu cho rằng, không phải mỗi lần đấu thầu đều mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà nước. Bởi lẽ, trong thực tế có những trường hợp có những gói thầu giá trị cao nhưng khi công bố kết quả trúng thầu, tỷ lệ giảm giá rất thấp.

Ở một số đơn vị, có tình trạng mỗi lần nhà thầu “quen mặt” tham gia đều trúng và tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách ở các gói thầu này lại không cao. Vì vậy, có ý kiến cho rằng cần phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu để đạt hiệu quả cho ngân sách nhà nước.

Đối chiếu từ các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, qua tìm hiểu của Tạp chí Đời Sống & Pháp Luật, tại Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc đang có một số dấu hiệu tương tự.

Bảng tổng hợp ngẫu nhiên 17 gói thầu từ năm 2022 đến đầu năm 2023 của Công ty Điện lực Miền Bắc thì tỉ lệ tiết kiệm ở mức nhỏ giọt.

Theo kết quả rà soát ngẫu nhiên tại 17 gói thầu trong giai đoạn 2 năm (từ 2022 đến đầu năm 2023), phóng viên Đời Sống & Pháp Luật nhận thấy, các gói thầu đều có tỉ lệ tiết kiệm nhỏ giọt, ở mức sát 0%. Theo đó, tổng số tiền dự toán của 17 gói thầu này là 1.285.120.966.538 VNĐ, giá trúng thầu là 1.283.795.850.986 VND, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước tương đương 0,1%. Trong số 17 gói thầu ngẫu nhiên được rà soát, có thể kể đến một số gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm siêu thấp, nhiều khi chỉ mang tính chất tượng trưng mặc dù tổng đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Điển hình như gói thầu xây lắp đường dây 110kV và TBA 110kV của dự án Đường dây và TBA 110kV Gia Sàng, tỉnh Thái Nguyên (theo Quyết định số 3102/QĐ-EVNNPC, ngày 08/12/2022 do ông Lê Minh Tuấn – Phó tổng giám đốc ký). Giá dự toán gói thầu 31.868.598.915 VND, sau đấu thầu giá 31.868.000.000 VND, con số tiết kiệm chỉ vỏn vẹn 598.915 VND, tương đương 0%. Liên danh Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng công nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng và Xây lắp Sông Đà trúng gói thầu này.

Hay tại gói thầu Xây lắp tuyến ĐZ từ Pooctich TBA 110kV Hưng Hà đến vị trí 43 - dự án Đường dây 110kV từ TBA 220kV Phố Cao - TBA 110kV Hưng Hà(Theo Quyết định số 224/QĐ-HĐTV, ngày 01/12/2022 do bà Đỗ Nguyệt Ánh - Chủ tịch HĐTV EVNNPC ký). Giá gói thầu 101.024.690.531 VND, sau đấu thầu giá 100.972.835.548 VND, con số tiết kiệm là 51.854.983 VND. Liên danh Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp và thương mại Tân Việt - Công ty cổ phần xây lắp điện Hà Nội trúng thầu. Mặc dù gói thầu hơn 100 tỷ đồng nhưng con số tiết kiệm đạt mức 0,05% cũng đáng để xem xét lại công tác đấu thầu tại đây.

Cần lưu ý rằng, mục đích của đấu thầu là tiết giảm tối đa cho ngân sách nhà nước, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Các đơn vị là chủ đầu tư cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm này, giảm tải gánh nặng cho đầu tư công.

Cần thanh kiểm tra, tránh khuất tất

Đề cập đến nguyên nhân của tình trạng những gói thầu “siêu tiết kiệm”, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: “Nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiết kiệm, giảm giá của đấu thầu thấp có thể do vùng thực hiện gói thầu không thuận lợi, hiệu quả kinh tế không cao, nên không thu hút được nhà đầu tư, ít doanh nghiệp tham gia… Ngoài ra, nếu công tác thiết kế, lập dự toán chi phí bám sát được giá thị trường, chủ đầu tư công tâm, khách quan thì mức giá cũng không giảm được nhiều.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nêu quan điểm.

Tuy nhiên, trường hợp gói thầu đấu thầu rộng rãi thông thường, ít đơn vị tham gia mà tỉ lệ tiết kiệm chỉ dưới 1%, có trường hợp 0%, thì trong nhiều trường hợp, cần phải xem xét lại, tránh sự khuất tất, không khách quan, công bằng khi lựa chọn nhà thầu”.

Chia sẻ thêm. ông Thu cho biết: “Theo quy định của pháp luật nước ta hiện nay thì pháp luật nghiêm cấm các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hành vi có thể tác động tiêu cực đến hoạt động đấu thầu hoặc vi phạm các nguyên tắc chung trong hoạt động đầu thầu trong đó có hành vi không bảo đảm công bằng, minh bạch đấu thầu. HSMT đã được chuẩn hóa theo quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT mới đây và trước đó là Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT và Chỉ thị 47-TTCP. Do đó, khi xây dựng HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu cần tuân thủ tuyệt đối, tránh đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá khắt khe, tùy tiện, làm giảm hiệu quả của hoạt động mua sắm công. Theo vị chuyên gia, đối với những hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, không đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, khi tổ chức đấu thầu, chủ đầu tư nên chú trọng đến yếu tố hiệu quả kinh tế, từ đó gia tăng cạnh tranh giữa các nhà thầu”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

PV

Tin nổi bật