Nhiều người tò mò không biết Vua Chúa thời xưa được thưởng thức những cao lương mỹ vị gì trong bữa ăn nơi hoàng cung?
Theo sách Lễ Tết ăn chơi trong cung Nguyễn, vua và gia đình, các buổi yến tiệc trong cung, các buổi cúng tế được phục vụ ẩm thực chu đáo.
Hàng ngày, vua có ba bữa ăn chính gồm ăn sáng lúc 6h30, ăn trưa vào 11h, ăn tối 17h cùng nhiều bữa ăn phụ khác. Yến tiệc trong cung tùy vào quy mô, nhìn chung có nhiều món. Tiệc cúng tế được tổ chức quanh năm.
Ẩm thực trong hoàng cung là vấn đề hệ trọng. Triều Nguyễn tổ chức hai sở chuyên lo việc này. Đó là sở Lý Thiện (đông nhất đến 350 người) và Thượng Thiện được đặt ra từ thời vua Minh Mạng, có ít nhất 50 người chuyên lo việc đi chợ, nấu ăn cho vua và các bà hoàng trong tam cung, lục viện.
Mỗi bữa ăn của vua có 35 món thực phẩm, với đủ các loại của ngon vật lạ. Gạo phải thơm ngon, mềm, trồng ở phía Nam kinh thành Huế, phải chọn những hạt nguyên.
Cơm được nấu trong loại nồi đất đặc biệt, được nghệ nhân vùng Phong Điền làm riêng cho hoàng cung. Mỗi nồi nấu cơm chỉ dùng đúng một lần duy nhất, sau đó đập vỡ. Nước dùng nấu cơm hoặc pha trà cho vua phải lấy từ giếng Hàm Long dưới chân chùa Báo Quốc, hoặc thượng nguồn sông Hương.
Việc nấu các món ngự thiện phải sạch sẽ. Chỉ cần phát hiện trong thức ăn một sợi tóc hay bất cứ thứ gì khác, sở Thượng Thiện sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, chén bát dùng trong hoàng cung cũng phải đặc biệt, có ký hiệu riêng, quan lại và dân thường tuyệt đối không được sử dụng. Trong các bữa ăn, vua dùng đũa cật tre và tăm bông do thợ lành nghề vót.
Mỗi món ăn được để trong một cái vịm buộc lạt, bên ngoài có dán nhãn. Vua muốn ăn món nào thì chỉ cho thị vệ mở ra, nếu thức ăn bị lạnh thì hâm nóng lại. Ngoài ra, các bà hoàng trong cung, vì muốn được vua sủng ái, nên cũng đua nhau làm những món của ngon vật lạ để dâng lên trong các bữa ăn.
Vua ngồi ăn một mình được gọi là “ngài ngự thiện”. Trong bữa ăn, vua sẽ uống rượu do các ngự y ngâm thuốc Bắc. Đây là những loại rượu có tác dụng giúp bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực. Thức ăn tráng miệng của vua gồm các loại chè, mứt, trái cây do địa phương tiến dâng…
Mỗi bữa ăn của vua có tới 35 món khác nhau, không thể ăn hết. Vua sẽ ban một số món ăn cho các bà hoàng trong cung và cho đại thần để bày tỏ lòng quý mến. Những người được vua “ban thiện”, khi quân lính mang thức ăn tới, sẽ hướng về phía nơi vua ở, quỳ vái năm lần để thể hiện sự biết ơn.
Sau đây là những món ăn từng chỉ dành cho Vua Chúa.
1. Chim sâm cầm
Sâm cầm là một loại chim di cư từ phương Bắc, sống thành đàn ở những nơi có ao hồ. Loại chim này có hình dáng khá giống vịt trời, đầu cổ phủ lông đen, mắt đỏ, mỏ vàng chân có màng nên có thể bơi lội được.
Theo sử sách ghi lại loại chim này thường bay lên núi tìm ăn sâm quý nên được gọi là sâm cầm. Thịt sâm cầm được cho là thập toàn đại bổ và là loại thực phẩm quý hiếm chỉ dành riêng cho bậc vua chúa.
2. Sá sùng
Sá sùng là loài vật thân mềm sống tại những bải cát ven biển trên đảo Quan Lạn và Minh Châu, Quảng Ninh. Sá sùng có độ dài khoảng 5-10cm, có con dài 15-40cm, nặng từ 1-3kg. Sá sùng có công dụng đặc biệt là tăng cường sinh lực, bên cạnh đó sá sùng còn có chức năng chữa bệnh được dùng để chế biến thuốc và nấu nước dùng rất ngọt và ngon. Vì khó bắt và rất quý hiếm nên chỉ có vua chúa và những quan lại giàu có mới có điều kiện để sử dụng sá sùng.
3. Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo là giống gà quý hiếm đặc hữu của xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Loại gà này có thân hình to lớn và đặc biệt nhất là cặp chân to, thô, nặng trịch, bao quanh chân là một lớp vảy da sần sùi, bàn chân dày cân đối nên bước đi rất vững chắc.
Gà trống Đông Tảo trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg, gà mái nặng trên 3,5kg, thịt gà rất thơm ngon, khối lượng thịt ức nhiều, bắp đùi gà bó cơ cuồn cuộn, không có gân, không dai. Vì có mùi vị thơm ngon đặc biệt, gà Đông Tảo là một trong những món thường được tiến cung vua, cúng tế hoặc hội hè.
4. Hải sâm
Hải sâm là một loại thực phẩm nổi tiếng được xem là "cao lương mĩ vị" của ẩm thực cổ truyền phương Đông và được mệnh danh là “nhân sâm của biển cả”.
Hải sâm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quý tốt cho sức khỏe với nhiều công dụng đặc biệt như bổ thận, dưỡng huyết, kháng ung chính vì vậy đây là một trong những món ăn đặc biệt thường dùng để chế biến dâng vua.
4. Cá Anh Vũ
Cá Anh Vũ là loại cá sống ở khu vực ngã ba sông Việt Trì, nơi hội tụ của ba con sông lớn sông Thao, sông Lô, sông Đà. Theo tài liệu ghi lại, loại cá này có khích thước trung bình khoảng 3-67cm, vảy xanh óng ánh, thân cá màu xám tro, bụng màu vàng nhạt, môi dưới rộng hình tam giác với nhiều gai thịt tròn nổi trông giống môi lợn.
Cá Anh Vũ là sản vật quý hiếm dùng để tiến cung vua thời xưa. Thịt cá ngọt đậm đà có vị thơm khác hẳn các loại cá khác, đặc biệt chiếc môi cá chính là bộ phận ngon và đắt nhất của cá Anh Vũ. Hiện tại loại cá này không còn nhiều trong tự nhiên.
5. Nem công
Công là loại chim thường sống trên gò đồi cao hoặc nơi rậm rạp kín đáo trong rừng vì vậy bắt công là một việc vô cùng khó khăn. Nem công được làm từ thịt đùi công giã mịn rồi gói vào lá chuối kèm theo các loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, riềng... Thịt công có tác dụng giúp giải độc vì vậy được các bậc đế vương ưa dùng.
6. Gà chín cựa
Gà chín cựa không chỉ là "truyền thuyết" trong Sơn Tinh-Thủy Tinh mà là giống gà có thật hiện đang được nuôi nhiều ở Lạng Sơn, Phú Thọ. Đặc điểm của giống gà này là chân to, chắc và mọc đều cựa ở mỗi bên, đôi mắt sáng và rất hiếu chiến. Giống gà này có kích thước nhỏ và chỉ nặng khoảng 1,5kg nhưng thịt lại vô cùng thơm ngon thường được các vua quan thưởng thức.
Nam Anh (T/h)