Tang lễ của Lý Tiểu Long được một du khách Mỹ so sánh với đám tang của Tổng thống Mỹ Kennedy.
Theo các tài liệu pháp y chính thức và lời kể của người thân, Lý Tiểu Long đột ngột qua đời khi 32 tuổi, vào ngày 20/7/1973. Thế nhưng, gần nửa thế kỷ, đến nay, cái chết của ngôi sao võ thuật này vẫn là một bí ẩn.
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày mất Lý Tiểu Long, người thân của ông đã tiết lộ về hai đám tang mà người hâm mộ ít biết về huyền thoại này.
Lần thứ nhất, tang lễ được tổ chức vào 25/7/1973 tại quê nhà Hồng Kông để bạn bè và người thân của ông tới viếng thăm và đưa tiễn. Lần thứ hai là một lễ tang dành cho gia đình, được tổ chức vào ngày 28/7/1973 tại Nghĩa trang Lake View, Seatle, Hoa Kỳ.
Theo đó, sau khi Lý Tiểu Long qua đời được 5 ngày, Nhà tang lễ Guangbin, Cửu Long, Hồng Kông đã tổ chức nghi thức lễ tang cấp cao để từ biệt người con xuất sắc của xứ cảng thơm. Có mặt tại tang lễ là Linda, vợ của Lý Tiểu Long cùng hai người con là Lý Quốc Hào (Brandon Lee) và Lý Hương Ngưng (Shannon Lee) bay từ Mỹ về và hàng ngàn bạn bè thân hữu, người hâm mộ.
Vợ Lý Tiểu Long - Linda Lee cùng hai con trong tang lễ của chồng.
Truyền thông Hồng Kông khi đó ghi nhận, bên ngoài nhà tang lễ có khoảng 20.000 người lặng lẽ chờ đến lượt vào nói lời tiễn biệt huyền thoại họ Lý. Ngoài ra, còn có khoảng vài trăm cảnh sát đặc biệt được huy động để bảo vệ đám tang diễn ra suôn sẻ.
Linda Lee - vợ Lý Tiểu Long vô cùng xúc động trước tình cảm công chúng dành cho chồng. Cô tháo chiếc kính mát đang đeo, nước mắt thi nhau rơi và nói lời cảm tạ tới hàng vạn người đã đến đưa tiễn chồng mình.
Cũng tại đám tang, một khách du lịch người Mỹ xúc động cho biết, trong cả đời ông, chỉ có duy nhất đám tang của cố tổng thống Mỹ Kennedy mới có thể so sánh với tang lễ của Lý Tiểu Long.
Hàng ngàn người dân Hồng Kông đổ xuống đường trước nhà tang lễ ở Cửu Long để đưa tiễn Lý Tiểu Long.
Bên trong linh đường nhà tang lễ được bài trí theo nghi thức truyền thống Trung Quốc. Đàn tế đặt ở giữa với di ảnh màu của Lý Tiểu Long. Phía trên linh đường treo 4 chữ lớn "Nghệ hải tinh trầm". Bên dưới là thi hài Lý Tiểu Long được đặt trong quan tài bằng đồng, để mở cho người đến nhìn mặt lần cuối. Ông mặc chiếc áo thời Đường màu xanh lam sẫm khi đóng vai nhân vật Trần Chân trong bộ phim võ thuật kinh điển Tinh võ môn.
Tất cả đều gợi cho người hâm mộ nhớ đến hình ảnh nhân vật Trần Chân trong Tinh võ môn đứng trước linh cữu của sư phụ, đau đớn nói lớn: "Người bị đau bao tử có chết được không, bị cảm có khiến người ta chết không? Thầy phải nói cho con biết, người rút cục bị bệnh gì mà chết?". Một sư đệ đứng cạnh Trần Chân an ủi: "Bác sĩ đã nói rõ, sư phụ vì bệnh đau dạ dày rồi chuyển thành cảm mà mất".
Thế nhưng Trần Chân một mực không tin: "Sư phụ bình thường khỏe lắm, sao có thể bệnh mà chết được? Làm sao có thể chết vì bệnh được".
Và trong đám tang của Lý Tiểu Long ngày hôm đó cũng nhiều người tự hỏi: "Vì sao anh ấy chết? Anh ấy khỏe mạnh như vậy vì sao lại chết đột ngột thế? Sao có thể vậy được?".
Linh đường trong nhà tang lễ Lý Tiểu Long với 4 chữ lớn "Nghệ hải tinh trầm".
Lẫn trong đám tang của Lý Tiểu Long, có cả những người "mang ân, mang oán" với ông, nhưng tất cả đều lặng lẽ trong bầu không khí bi thương.
Ban đầu, thi hài Lý Tiểu Long và các di vật của ông dự định sẽ được mai táng và lưu giữ theo phong tục của Trung Quốc. Theo đó, huyền thoại họ Lý sẽ được chôn bên cạnh mộ phần hai thân sinh của ông. Tuy nhiên, Linda Lee mong muốn đưa thi hài chồng về Mỹ để có thể thường xuyên đến thăm viếng chồng, vì vậy, cô kiên quyết đưa thi hài Lý Tiểu Long về Mỹ và chôn cất tại thành phố quê nhà ở Seatle.
Quan tài Lý Tiểu Long tại sân bay Seatle, Hoa Kỳ.
Ngày 28/7/1973, tang lễ của Lý Tiểu Long lần thứ hai được tổ chức tại Nhà tang lễ thành phố Seatle. Có mặt tại đám tang của huyền thoại gồm các đệ tử và đồng nghiệp như Dan Lnosanto, Chuck Norris cùng hàng trăm bạn bè thân thích của Lý Tiểu Long.
So với đám tang với hàng vạn người ở Hồng Kông, không khí đám tang ở Seatle diễn ra lặng lẽ, đúng như tính cách và khát vọng về một sự "tĩnh" của Lý Tiểu Long lúc còn sống.
Quan tài Lý Tiểu Long tại Nhà tang lễ Seatle.
Nghĩa trang Lake View ở Seatle chính là nơi chôn cất thi hài Lý Tiểu Long. Đây vốn là một vùng bán sơn địa nhiều cây cối và những thảm cỏ xanh tươi tốt. Khung cảnh của nghĩa trang đẹp và yên bình dưới chân đồi Washington.
Bia mộ màu đỏ nhạt có khắc hình Lý Tiểu Long cùng tên của ông bằng tiếng Anh - Bruce Lee và tên thật Lý Chấn Phiên bẳng tiếng Trung Quốc, kèm theo thời gian sinh - tử: 27/11/1940 - 20/7/1973. Hàng chữ cuối cùng được khắc với nội dung: Người sáng lập môn võ Tiệt quyền đạo.
Phía dưới tấm bia có khắc một khối đá màu đen như cuốn sách đang mở, trang bên trái khắc hình một đạo gia thái cực quyền. Hai mặt có dòng chữ "Dĩ vô pháp vi hữu pháp, dĩ vô hạn vi hữu hạn" (lấy vô pháp thắng hữu pháp, lấy vô hạn thắng hữu hạn).
Đám tang Lý Tiểu Long tại Nhà tang lễ thành phố Seatle.
Sự ra đi của Lý Tiểu Long quá đột ngột, ông không kịp để lại bất kỳ di chúc hay lời trăng trối nào. Trong đám tang, điếu văn của Lý Tiểu Long do Linda Lee soạn thảo, đúc kết từ những mong mỏi của Lý Tiểu Long khi còn sống.
Linda Lee đứng trước mộ Lý Tiểu Long, nước mắt trào xuống hai gò má và nói: "Lý Tiểu Long luôn luôn sáng tạo, cuộc đời 32 năm của anh tràn đầy sự sáng tạo".
Một số hình ảnh đám tang Lý Tiểu Long:
Cảnh sát làm nhiệm vụ tại đám tang của Lý Tiểu Long ở Hồng Kông.
Thi hài Lý Tiểu Long được đưa tới nhà tang lễ ở Hồng Kông.
Linda Lee mặc trang phục tang truyền thống tiễn biệt chồng
Đồ viếng tại đám tang Lý Tiểu Long.
Di ảnh Lý Tiểu Long tại Nhà tang lễ Guangbin, Hồng Kông.
Linh cữu của Lý Tiểu Long tại Nghĩa trang Lake View.
Mộ phần Lý Tiểu Long (trái) và con trai Lý Quốc Hào tại nghĩa trang Lake View.