Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiếp cận “sàn giao dịch cần sa xuyên quốc tế” chuyên cung ứng hạt, cây giống ma túy

(DS&PL) -

Bằng cách thức thảo luận kín, giao dịch ngầm, người mua chỉ cần gọi điện, đặt hàng là các sản phẩm từ cần sa sẽ được giới buôn "cỏ" mang đến tận nơi.

Đón đầu thị hiếu tự trồng, chăm sóc, thu hái chất cấm của “dân chơi”, giới buôn “cỏ” công khai hoạt động dịch vụ cung ứng hạt giống, cây con cần sa. Chỉ với vài trăm ngàn đồng, ai cũng có thể sở hữu loại cây quốc cấm. Thâm nhập dịch vụ cung ứng hạt giống, cây con, PV lần đầu tiếp cận “sàn giao dịch cần sa” xuyên quốc tế. Trên mạng ảo, ngoài chợ trời, giới buôn “cỏ” công khai rao bán hạt giống, cây con các loại cần sa. Chỉ vài trăm ngàn đồng, người chơi có thể mua về, tự trồng, thu hoạch loài cây quốc cấm. Sử dụng chiêu thảo luận kín, giao dịch ngầm, người mua chỉ cần gọi điện, đặt hàng các sản phẩm từ cần sa sẽ được mang đến tận nơi.

Công khai buôn “cỏ”

Sau giờ học nghề cắt tóc, L. “cần sa” xách chiếc cặp chứa những gói nhỏ đựng hạt cần sa đi giao cho khách. Tướng nhìn khắc khổ, hiền lành, L. “cần sa” khiến nhiều người bất ngờ khi giới thiệu đã có 5 năm thâm niên trong “nghề buôn cỏ”. Trong giới “hút cần”, người này được xem là một trong những tay buôn hiếm hoi chịu ra mặt, giao hàng trực tiếp. Phía sau, L. “cần sa” cho biết có một hệ thống “sàn giao dịch” cần sa xuyên biên giới. Để quảng bá cho “sản phẩm”, dịch vụ của mình, người này thành lập trang mạng mang tên “Hạt giống cần sa”.

Thông qua nhiều mối quan hệ, PV được giới thiệu, làm quen với L. “cần sa”. Tuy nhiên, người này vẫn chưa tin tưởng, chỉ cho phép PV tiếp cận, trao đổi thông qua diễn đàn buôn cần sa có tiếng của gã. Thông qua diễn đàn, PV ngỡ ngàng trước sự công khai đến khó tin của dịch vụ buôn bán, cung cấp loại cây được xếp vào Danh mục I (các chất ma túy cực độc, cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế - PV). Tại đây, các thành viên không chỉ công khai trao đổi, rao bán cần sa mà còn giới thiệu kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến loài cây này.

Không chỉ cỏ, hạt, cây giống các loại cần sa cũng được nhiều người ngang nhiên rao bán.

Trên trang nhóm kín, L. “cần sa” giới thiệu dịch vụ cung cấp cần sa bằng những lời có cánh: “Bên mình có đợt khuyến mãi “cỏ” (cần sa-PV) châu Á lớn nhất trong năm. Dòng an thần, gọi tắt là F1 hay “beybe”, tác dụng an thần, thư giãn và phê dai dẳng như kiểu say rượu. Đảm bảo các bạn “phê” vào, ngủ một giấc xong dậy vẫn còn “phê”. Đúng như tên gọi của nó, “bây bê”, khi “phê” dòng này, các bạn sẽ về với tuổi thơ, ăn ngủ như 1 đứa trẻ. Dòng này nhập từ Philippines nguyên  đai, nguyên kiện. Giá: 5g-200k, 10g- 370k (370.000 đồng-PV)”. 

Trong khi đó, trang “Chuyên cây giống cần sa” công khai mời gọi khách mua cần sa thuộc dòng “ảo giác mạnh”. Trang này viết: “Dòng ảo giác (gọi tắt F2) hay còn gọi là “ảo ảnh” là lọai “cần” gây ảo giác mạnh. Nếu bạn muốn thời gian ngừng lại, muốn lạc vào vòng quay trở về quá khứ hoặc muốn biến mình thành siêu nhân, có nhiêu sức mạnh siêu nhiên thì hãy “phê” dòng này. Ngoài ra, mình còn bán loại “F3”, thường gọi là “lạc lối”. Loại này khi “phê”, bạn sẽ quên hết quá khứ sầu muộn, rất tốt cho người trầm cảm, stress nặng. Giá cả mọi người inbox (nhắn tin-PV) nhé”.

Chuyên nghiệp hơn, nhiều trang khác còn đăng hình, quay clip giới thiệu các loại cần sa ngoại nhập như White widow regular, Afghan kush regular, Poison regular, ... Để khách  hàng tin tưởng, lợi dụng sự tiên tiến của công nghệ, giới buôn “cỏ” trực tiếp chụp ảnh, ghi hình rồi phát tán cảnh hút, “phê”,... các sản phẩm của mình. Những người này cũng thực hiện các buổi giao lưu giữa nhiều tay chơi cần sa có tiếng để đánh giá, bình phẩm vô số mặt hàng cần sa ngoại nhập mới có mặt tại Việt Nam.

Sẵn sàng cung cấp hạt giống, cây con

Trực tiếp thâm nhập, PV nhận thấy, giới buôn “cỏ” không chỉ rao bán vô số loại cần sa ngoại nhập mà còn sẵn sàng cung cấp hạt giống, cây con của loại cây này. Đặc biệt, dịch vụ trên đang trở thành một trong những trào lưu thu hút nhiều “tín đồ” “hút cần”. L. “cần sa” khẳng định: “So với nhiều năm trước, hiện nay, dân chơi bồ đà (tên gọi khác của cần sa-PV) không còn mặn mà với việc bỏ cả núi tiền ra để mua “cỏ” nữa. Họ chuộng cách tự trồng “cỏ” tại nhà”.

“Cách này cho người chơi cái thú tự tay trồng, tự tay chăm sóc, thu hái, chế biến “cỏ”. Hơn nữa, người chơi không cần bỏ nhiều tiền để mua “cỏ” nhưng lại cho “hàng” chất lượng tốt hơn hàng chợ. Do đó, nhiều người ngày càng chuộng cách săn hạt “cỏ” về tự trồng”, người này cho biết thêm. Nắm bắt “thị hiếu” trên, nhiều đầu nậu buôn “cỏ” đã tìm mọi cách buôn hạt,  cây giống cần sa, thu về những món lời kếch xù.

Thông qua L. “cần sa”, PV được biết, hiện nay, trị giá hạt giống cần sa cao gấp nhiều lần so với hạt giống của những loại cây quý khác. L. “cần sa” cho biết: “Hạt giống cần sa đắt đỏ bởi nó không chỉ hiếm mà còn là hàng cấm. Nếu không biết cách, có tiền cũng chưa chắc mua được. Trước đây, người chơi cứ tưởng trong gói “hàng” mua ngoài thị trường có cả búp, lá và vài hạt nhỏ. Mua “hàng” về, người chơi chỉ cần lựa số hạt này ra, đem trồng sau vài tháng sẽ có “cỏ” để “phê”.

“Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy. “Cỏ” bán sẵn đều đã qua sơ chế, sấy khô nên để chọn được hạt nảy mầm rất hiếm. Muốn có hạt tốt, dân chơi phải tìm ra nguồn sơ chế cần sa, khéo léo thỏa thuận để họ bán lại cho hạt tươi. Tốt nhất là tìm được nguồn cung cấp hạt chuyên nghiệp. Cái này, chỉ dân trong nghề mới biết. Do việc làm ăn nên tôi phải bí mật. Loại hạt lấy từ nguồn này đảm bảo nảy mầm 100%, khi bán, họ có chế độ bảo hành cho mình luôn”, L. “cần sa” cho biết thêm.

Để minh chứng cho lời nói của mình, người này giới thiệu cho PV hàng loạt các “chi nhánh” chuyên cung cấp hạt giống, cây con cần sa của mình. “Hạt giống cần sa và cây con SG”, một  trong những trang mạng được cho là uy tín nhất về dịch vụ cung ứng hạt giống, cây con bồ đà, quảng cáo: “Hiện tại mình còn các giống Indica, White widow regular, Afghan kush regular, Poison regular. Pack (bịch-V) 5 hạt = 450k. Pack 10 hạt = 800k. 20 hạt trở lên 50k/hạt. Bảo hành 1 đổi 1 nếu hạt giống không nảy mầm”.

Trong khi đó, trang “Cần sa & hạt giống” sẵn sàng tư vấn cách chọn hạt phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương của khách hàng. Trang này quảng cáo: “Mình chuyên cung cấp hạt các giống cần sa ngoại nhập. Tỉ lệ nảy mầm 99%, bảo hành 1 đổi 1 nếu hạt không nảy mầm. Đặc biệt, mình sẵn sàng tư vấn hạt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương của khách hàng ở xa. Bên mình cung cấp video hướng dẫn từ cách ươm tới lúc thu hoạch cây. Cái này các bạn được tặng kèm với điều kiện mua trên 20 hạt trở lên. Bên mình bán 200k/hạt”.

Không dừng ở đó, các trang này còn sẵn sàng cung ứng cây con cho khách hàng nghi ngờ hạt mua không nảy mầm. Theo đó, giá cả của các loại cây con cần sa thay đổi tùy theo độ tuổi. Thông qua tin nhắn, L. “cần sa” cho biết sẽ bán cho PV hạt đã nứt mầm với giá 200.000 đồng/hạt, cây con được 2 tuần có giá 500.000 đồng. Ghi nhận thực tế, PV nhận thấy, 500.000 đồng/cây cần sa con được xem là giá trung bình. Các loại cây giống sẽ được người bán chuyển đến tận nhà cho khách hàng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Việc kinh doanh cần sa giống không được các tay buôn trực tiếp ra mặt mà chỉ thông qua giao dịch trên mạng.

L. “cần sa” cho biết: “Cỏ” mua lại từ dân buôn thường đã bị “đấu” (pha trộn-PV), chất lượng không cao. Để tăng độ “phê”, giảm giá bán, người bán sẽ pha thêm “keo chó”, “phê” vào rất chóng mặt, đau đầu. Vì thế, “cỏ” trồng tại nhà được ưa chuộng bởi đảm bảo nguyên chất. “Cỏ” phê hay không do còn do nhựa của nó. Trồng ở nhà, nhựa không bị pha, “cỏ” sẽ “ngấm” hơn hàng chợ. Do đó, cây con bán khá chạy. Tuy nhiên, bán cái này hơi nguy hiểm, dễ bị lộ”.

Theo phòng Nghiên cứu, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, quy định của Nghị định 67/2001/NĐ-CP ngày 01/01/2001 cho biết cần sa và nhựa cần sa được xếp vào Danh mục I- Các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền”. (Còn tiếp)

NHÓM PV.
Bài đăng trên ấn phẩm Hôn nhân & Pháp luật số 103

Tin nổi bật