Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiếng kêu cứu của rừng xanh từ đại ngàn Quảng Nam

(DS&PL) -

Rừng Quảng Nam vốn nổi tiếng với nhiều loại gỗ được xếp vào loại quý. Chính vì thế, nơi đây đã trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các “đại gia” cũng như giới "lâm tặc".

Những ngày qua, cùng đoàn công tác kiểm lâm huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), chúng tôi có dịp thâm nhập vào “thiên đường gỗ lậu” của giới lâm tặc trên địa bàn hai huyện miền núi Nông Sơn và Phước Sơn (Quảng Nam), chứng kiến những cánh rừng già đang “chảy máu”, mới thấy sự tàn phá khốc liệt và vận chuyển với quy mô rầm rộ các loại gỗ quý từ phía đại ngàn của giới lâm tặc nơi đây.
Đột nhập thiên đường gỗ lậu
Rừng Quảng Nam vốn nổi tiếng với nhiều loại kỳ trân, diệu thảo, nhiều loại gỗ được xếp vào loại quý hiếm như lim, gõ, kiền kiền... Những cánh rừng già luôn trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các “đại gia” cũng như giới “lâm tặc”. Những nơi mà chúng tôi men rừng đi qua, ít nhất có gần chục địa điểm tập kết gỗ với đủ các loại quý hiếm, quy mô chẳng khác nào một “xưởng cưa di động” đặt trong rừng sâu.
Lần theo những cung đường có dấu chân của giới lâm tặc, cùng những cán bộ kiểm lâm của huyện Nông Sơn tiến sâu về phía những cánh rừng mà các đối tượng lâm tặc đã kéo gỗ ra. Với kinh nghiệm trong nghề, ông Lê Trung Thọ, cán bộ phụ tránh Thanh tra - Pháp chế Hạt Kiểm lâm Nông Sơn xác định: cứ lần theo vết đường kéo gỗ sẽ tới nơi khai thác. Vượt qua khúc suối có tên “Ngã ba khe”, tiến về phía những cánh rừng già thuộc địa phận huyện Phước Sơn. Trước mắt, là một bãi tập kết gỗ với hơn 30 phách gỗ gõ mật, giổi… được lâm tặc sắp xếp ngay ngắn.
Tiếp tục tiến sâu hơn theo vệt đường kéo gỗ của giới lâm tặc, rải rác trên nhiều tuyến đường tự mở là ngổn ngang điểm tập kết gỗ, tất cả đều được xếp  ngay ngắn, từ 10 đến 15 phách gỗ vuông vắn. Theo những cán bộ Kiểm lâm huyện Nông Sơn, tại tọa độ 0808359-1720287 thuộc xã Phước Hòa, địa phận ranh giới giữa hai huyện Phước Sơn và Nông Sơn, phát hiện nhiều gốc cây có đường kính to mới vừa bị chặt chặt hạ. Những gốc cây kia được xác định là loại gõ mật, loại gỗ đặc biệt quý hiếm.
Gỗ lậu được đầu nậu đánh dấu cho người kéo gỗ thuê dễ nhận chủ gỗ.
Lâm tặc đã cắt, chọn những khúc đẹp nhất của cây để cưa thành phách kéo đi, phần cây còn lại cũng còn khối lượng rất lớn, chúng xẻ thành từng khúc theo quy cách để dành cưa xẻ lấy gỗ dần. Các cán bộ kiểm lâm cho biết, khu vực này là một trong những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại ở sườn phía Đông Trường Sơn khu vực Quảng Nam. Trên thực tế, để tìm ra được một cây gỗ gõ mật, ở nhiều địa phương miền núi Quảng Nam hiện rất khó, xem xét số lượng gỗ các đối tượng lâm tặc đã cưa xẻ, cho thấy số lượng gỗ gõ mật ở khu vực này là còn rất lớn, chứng tỏ, trong những năm gần đây, khu vực những cánh rừng này mới bắt đầu được lâm tặc để mắt tới và ra tay triệt hạ.
Theo chân các cán bộ kiểm lâm, ngược lên một dọc suối cạn còn ngổn ngang vết tích đào bới của các đối tượng khai thác vàng trái phép, bất ngờ hiện ra trước mắt chúng tôi là cả một cánh rừng bị chặt hạ ngồn ngang như vừa trải qua một trận bom oanh tạc. Một cây gỗ chò nâu đường kính gốc có chu vi 1,46m đã chặt hạ, cưa xẻ, gỗ thành phẩm lẫn bìa phách tươi đỏ như máu ngổn ngang, lâm tặc mới chỉ cưa xẻ được 2/3 cây gỗ, khúc còn lại dài hơn 20m có đường kính hơn 1m đang xẻ dở dang.
Một cán bộ kiểm lâm cho hay, chắc nghe vụ việc bị phát hiện nên lâm tặc đành bỏ dở lại cây gỗ quý giá này. Ngay cách đó không xa, một cây gỗ xoan đào đường kính hơn 1m đã được cắt hạ, chuẩn bị lên đà xẻ, một cây khác đã được xẻ thành hơn chục phách chưa kịp kéo ra khỏi hiện trường. Và cũng cách đó không xa, 5 cây gỗ giổi hương, cây nào cũng đường kính trên dưới 1m đã được chặt hạ nằm ngổn  ngang, chờ ngày xẻ thành phẩm. 
Những phách gỗ được giới lâm tặc lâm tặc tập kết ngay ngắn
Tiếng kêu cứu từ đại ngàn
Cả cánh rừng nguyên sinh bị chặt hạ không thương tiếc, lâm tặc chỉ cắt lấy những phần gỗ đẹp, thẳng, phần lõi của cây, còn lại vứt bỏ. Những cây gỗ lớn bị chặt hạ đổ ngã đè gãy nát hàng chục cây gỗ nhỏ có đường kính tới 40-50cm.
Tiếp tục tìm kiếm, không phải lần mò lâu, hiện ra trước mắt chúng tôi, một gốc cây gỗ giổi, đường kính đo được 1,46m, cây gỗ cũng bị cưa xẻ ngổn ngang, phần đã kéo đi, phần còn bỏ dở. Chỉ trong một buổi chiều, các cán bộ kiểm lâm huyện Nông Sơn đã xác định tại hiện trường gần 20 gốc cây các loại đã bị chặt hạ, cưa xẻ, ước tính cả số lượng gỗ đã khai thác và số gỗ còn lại hiện trường có tới hàng trăm mét khối gỗ bị chặt hạ, khai thác trái phép.
Theo các cán bộ kiểm lâm, hiện trường các đối tượng khai thác gỗ lậu thuộc địa phận xã Phước Hòa và tiếp giáp xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn, khắp các cánh rừng rộng lớn, những vệt đường kéo gỗ còn mới nguyên màu đất vàng sánh, những cây cọc tiêu cắm ven đường để ngăn gỗ kéo khỏi rơi xuống vực còn tươi rói. Dọc ven bờ suối có tên Khe Nấm, hàng chục hố các đối tượng đào đã vàng trái phép đã đưa cả xe múc vào đào bới khoét xuống thành những hố, hục lớn sâu hàng chục mét còn ngổn ngang đất đá, chứng tỏ cánh rừng đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Dọc con đường men theo dòng suối có tên Khe Mây, đến mỗi điểm lâm tặc tập kết gỗ mới thấy sự ngang nhiên, lộng hành của các đối tượng khai thác rừng trái phép. Tại các điểm tập kết như đã nêu trên, hàng chục phách gỗ được lâm tặc dùng trâu kéo từ nơi khai thác ra, sắp xếp ngay ngắn, kê đà chống mục đàng hoàng, như không hề sợ sệt, như chính họ đang làm chủ những cánh rừng nguyên sinh này. Những phách gỗ còn tươi rói, đủ các chủng loại từ gõ mật thuộc lại đặc biệt quý hiếm đến giổi hương, xoan đào, chò... Những phách gỗ xẻ đều tăm tắp, như đã được đặt hàng trước, chỉ chờ kéo ra khỏi rừng, chất lên xe chở về nơi tiêu thụ.
Hàng chục cây gỗ có đường kính hơn 1,5m bị triệt hạ
Trong những ngày qua, các cơ quan chức năng huyện Nông Sơn đã triển khai công tác tổ chức thu gom toàn bộ số gỗ phát hiện để làm tang vật. Sau khi dùng sơn xanh để đánh dấu thứ tự từng phách gỗ, lực lượng chức năng đã phải thuê người dân địa phương để đưa gỗ về. Chính những người dân này cũng là những người mà giới lâm tặc thuê để kéo gỗ cho chúng. Ông Lê Trung Thọ, cán bộ phụ trách Thanh tra - Pháp chế Hạt Kiểm lâm Nông Sơn cho biết, các điểm tập kết gỗ xa, phải chờ mưa xuống, nước suối dâng cao, mới có thể kéo gỗ ra theo đường nước, công tác thu gom còn phải tiến hành thời gian dài nữa mới có thể hoàn tất.
Quảng Nam thực sự được sở hữu một “kho vàng xanh” do thiên nhiên ban tặng, bởi 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất rừng, trong đó có nhiều cánh rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Cũng vì thế mà câu chuyện về rừng luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý và dư luận xã hội trong nhiều năm qua.

Tin nổi bật