Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiếng kêu cứu của động vật hoang dã ở Tây Nguyên

(DS&PL) -

Thực hiện chủ trương bảo vệ động vật hoang dã, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển thú rừng trái phép vẫn diễn ra

Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các chương trình bảo vệ động vật hoang dã. Thực hiện chủ trương này, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, thế nhưng nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển thú rừng trái phép vẫn liên tục diễn ra. Hệ lụy là trong những cánh rừng, nhiều loại động vật quý hiếm ngày càng vắng bóng.

Thú rừng thành… mồi nhậu

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi đến nhà hàng B.H.X, nằm trên đường Phạm Văn Đồng, TP Pleiku (Gia Lai) để dự buổi tiệc sinh nhật đứa em họ. Vừa yên vị, một cậu nhân viên phục vụ bước tới chìa ra cuốn thực đơn dày cộm với vô số món ăn. Liếc sơ qua thực đơn, chúng tôi thấy hàng chục món chế biến từ thịt thú rừng, từ loài bò sát đến các loại thú có chân. Thấy khách lưỡng lự chọn món, anh nhân viên đon đả giới thiệu: “Cô chú dùng ba ba nhé, bảo đảm còn sống nhăn. Món này tốt cho sức khỏe lắm, rượu huyết ba ba giúp tăng cường sinh lực, còn thịt ba ba um chuối bồi bổ cơ thể. Hay là kỳ đà nướng mọi, chồn hương giả cầy, nai xào lăn… món nào cũng ngon”.

Không chỉ nhà hàng B.H.X mà ở tỉnh miền núi này, hầu như nhà hàng và quán ăn nào cũng kinh doanh món đặc sản thịt rừng. Tại phố núi Pleiku, chỉ riêng con đường Phạm Văn Đồng có hàng chục nhà hàng, mà nơi nào cũng có bán món đặc sản khoái khẩu này. Có những quán ăn, trong thực đơn không có thịt rừng nhưng nếu khách có yêu cầu, chủ quán sẵn sàng phục vụ. Điều đáng nói, trong vô số thực khách là người lao động, tiểu thương, còn có cán bộ công chức, kể cả những người làm công việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, cũng sẵn sàng “đánh chén”.

Gần đây, trong một lần công tác ở TP Kon Tum (Kon Tum), chúng tôi ghé vào dùng bữa tại nhà hàng C.N ở đường Lý Thường Kiệt, một trong những nhà hàng nổi tiếng ở xứ này. Lúc đó mới gần 18 giờ nhưng quán đã đầy ắp thực khách. Cạnh bàn chúng tôi, một nhóm cán bộ đang rôm rả cụng ly. Trên bàn, đĩa thịt dúi xào lăn và heo rừng hấp xả bốc khói nghi ngút. Nhận ra chúng tôi, anh cán bộ làm ở một cơ quan chuyên trách quản lý về tài nguyên và môi trường mỉm cười chào ngượng nghịu. Ở thành phố nhỏ bé này, không khó để chúng tôi tìm thấy các nhà hàng bán những món ăn, món nhậu từ heo rừng, cheo, dúi, chồn, ba ba, nhím, nai, mễn...

Thịt thú rừng được bày bán trên một số tuyến phố ở TP Kon Tum. Ảnh: T.V

Ngoài các món ăn được chế biến sẵn trong các nhà hàng, thịt rừng còn được bày bán công khai dọc các con đường ở vùng Bắc Tây Nguyên. Đơn cử như trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, gần Quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku, ngày nào cũng có người bán thịt heo rừng. Việc này diễn ra đã lâu, thế nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại, mặc dù quanh đó có nhiều cơ quan Nhà nước, kể cả Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Gia Lai. Còn ở Kon Tum, người “sành ăn” thường rỉ tai nhau những địa điểm bán thịt rừng tươi – ngon – “độc” nằm trên các con đường Urê, đường Trường Chinh, đường Nguyễn Thái Học (TP Kon Tum). Ở đây, lúc nào cũng có sẵn các loại thịt “thông dụng” như heo rừng, nai, kỳ đà… làm sẵn, kể cả còn sống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thú rừng được các “đầu nậu” thu gom từ Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) và thu mua lẻ từ những thợ săn, rồi đem đi bỏ mối cho các nhà hàng ở TP Pleiku, TP Kon Tum và các tỉnh lân cận. Anh Ksor Rai, một thợ săn (nay đã giải nghệ) ở làng Mít Chép, xã Ia O, huyện biên giới Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Tất cả thú rừng săn bắt, sau khi đem về đều có người đến tận nhà thu mua. Bình quân 200.000 đồng/kg, bất kể thú gì, miễn là còn sống. Còn với thú rừng đã chết, họ thu mua với giá rẻ hơn một nửa”. Khi được hỏi có biết săn bắt động vật hoang dã là vi phạm pháp luật không, Ksor Rai trả lời: “Biết chứ, nhưng khổ quá phải làm liều thôi. Sống gần rừng, nếu không dựa vào rừng để sống, bà con mình biết làm gì?”. Với cách suy nghĩ như thế, không khó để lý giải vì sao thú rừng ngày càng vắng bóng.

Ksor Rai cho biết thêm, trước đây những thú rừng nhỏ như hoẵng, chồn được thợ săn bỏ lại nhưng giờ cũng trở thành mục tiêu truy đuổi. Khi rừng còn nhiều thú, mỗi ngày chó săn có thể phát hiện được 4 - 5 con thú như heo rừng, nai, hoẵng... nhưng nay may mắn chỉ được 1 - 2 con. Việc săn bắt ngày càng khó khăn nên anh đã giải nghệ, còn lại một số “đồng nghiệp” của anh vẫn ngày ngày lẻn vào rừng săn thú.

Cơ quan chức năng kêu khó

Gia Lai là một tỉnh có nhiều rừng, với độ che phủ của rừng chiếm tỷ lệ lớn nên động vật hoang dã rất phong phú, trong đó có nhiều loại động vật đặc hữu, quý hiếm sinh sống trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - đứng chân trên địa bàn các xã Kon Pne, Đăk Roong, Kroong (huyện Kbang); xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa); xã Ayun, Hà Ra (huyện Mang Yang); Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng, thuộc địa phận xã Sơn Lang, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) và nhiều khu rừng tự nhiên khác. Theo thống kê, tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 42 loài thú, 160 loài chim, 51 loài bò sát, ếch nhái và 209 loài bướm. Trong đó, có 3 loài thú đặc hữu cho vùng Đông Dương, cùng các loài đặc hữu như: Mang Trường Sơn, Khướu tai hung…

Trong khi đó, Khu BTTN Kon Chư Răng có diện tích 15.000 ha, là nơi sinh sống của 62 loài thú, 160 loài chim và 161 loài bướm. Trong đó, có 8 loài thú bị đe dọa ở mức toàn cầu và 17 loài thú trong sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, có 3 loài đặc biệt của Đông Dương là Vượn má hung, Voọc chà vá chân xám và Mang lớn. Trong số các loài chim được ghi nhận ở Khu BTTN Kon Chư Răng, có 6 loài bị đe dọa ở mức toàn cầu, trong đó có loài Trĩ sao, Khướu đầu đen, Khướu mỏ dài, Chích chạch má xám…

Kon Tum cũng là một tỉnh có nhiều rừng, nên động vật hoang dã cũng đa dạng, chúng sinh sống ở các Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu BTTN Ngọc Linh, các khu rừng phòng hộ của các địa phương. Theo thống kê, Khu BTTN Ngọc Linh có 38 loại động vật quý hiếm như hổ, gấu ngựa, beo, báo gấm, sơn dương, sóc bay, rùa hộp trán vàng, hồng bàng, trĩ sao, ếch da cóc… Tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có 40 loài động vật quý hiếm như: Hổ, voi, gấu chó, trâu rừng, bò tót, bò rừng, bò xám, tê tê Java, chà vá chân xám, chà vá chân đen, báo gấm… Tuy nhiên, trên đây chỉ là những số liệu được nghiên cứu, báo cáo khi mới thành lập Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu BTTN Kon Chư Răng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, Khu BTTN Ngọc Linh. Còn hiện tại, trước sự săn bắt của con người, cùng với việc biến mất của nhiều khu rừng tự nhiên, nhiều cá thể như voi, hổ... có thể đã không còn nữa.

Từ những con số trên, có thể khẳng định, 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên rừng phong phú và đa dạng. Đây là một trong những “đòn bẩy” để những địa phương này phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, tình thế lại đi theo chiều hướng ngược lại. Rừng và hệ động thực vật sống dưới tán rừng đã bị con người tàn sát một cách không thương tiếc. Trong đó, việc “tận thu” thú rừng để phục vụ cho “nhu cầu ẩm thực” của một bộ phận người dân và chữa bệnh như: Mật gấu, tay gấu, cao hổ, cao khỉ… (mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh công dụng của việc sử dụng các loại “thần dược” này - PV) đã làm cho nhiều động vật hoang dã, quý hiếm bị suy giảm số lượng nhanh chóng và đang có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.


Để bảo vệ động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm Gia Lai đã tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý các đối tượng, các cơ sở và người săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Tính riêng trong năm 2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển và vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Trong đó, đã khởi tố vụ án hình sự tại huyện Chư Pah về việc vận chuyển trên 82 bộ xương khô Voọc chà vá chân đen cùng 26 cá thể Voọc chà vá chân đen đã chết; khởi tố vụ săn bắt, vận chuyển mèo rừng và Voọc chà vá tại huyện Ia Grai. Còn tại tỉnh Kon Tum, trong các năm 2012 - 2013, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này đã xử lý 7 vụ vận chuyển và vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Theo đó, đơn vị đã tịch thu và xử phạt các đối tượng vận chuyển 60kg thịt nai, 30kg thịt heo rừng, thu 2 con rắn, 1 con heo rừng, 1 con dúi, 1 con voọc chà vá chân đen và 1 con vượn đen má hung.

Dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều hình thức quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, thế nhưng, nhiều loại động vật hoang dã ở các cánh rừng vẫn liên tục “biến mất”. Hàng ngày, những con thú vẫn nối đuôi nhau lên bàn nhậu để phục vụ cho sở thích ẩm thực của những người “lắm tiền”. Trước vấn đề đó, bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, giải thích: “Phần lớn thịt rừng được bày bán ở các nhà hàng là thú nuôi, tuy nhiên có một số nơi người ta cũng trà trộn thú rừng tự nhiên. Biết vậy, nhưng việc quản lý, kiểm tra cũng gặp không ít khó khăn. Vì các quán thường cất giấu nơi khác, khi khách có nhu cầu thì mới cho người mang đến. Còn về kiểm tra vận chuyển càng khó hơn, bởi thịt rừng họ thường đóng gói, đóng hộp hoặc cất giữ cẩn thận trong xe rất khó kiểm soát và phát hiện, nếu không có nguồn tin. Việc quản lý săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã đã khó, nhưng việc quản lý các sản phẩm từ động vật hoang dã còn khó hơn”.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Hương, hiện nay động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng ít đi. Một số loài như hổ, voi thì hầu như không còn. Hiện tại, trong các Khu BTTN, rừng tự nhiên đa phần chỉ còn các động vật nhỏ: heo rừng, nhím, cheo, chồn, kỳ đà… sinh sống, nhưng với số lượng không nhiều. Đáng nói, việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã hiện nay trên địa bàn tỉnh đang thực hiện theo kiểu “được chăng hay chớ”, do thiếu sự quan tâm của chính quyền địa phương.


Tin nổi bật