Trước tình trạng lái xe phản ứng với mức phí tại trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang vừa có văn bản gửi Bộ GTVT sớm có chính sách giảm giá phù hợp.
Thông tin trên được báo Tuổi Trẻ đăng tải. Theo đó, trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ GTVT.
Theo ông Tuấn, quan điểm của UBND tỉnh Tiền Giang là Bộ GTVT sớm có chính sách giảm giá đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải sao cho phù hợp nhất. Mức giá cụ thể thế nào sẽ bàn bạc.
"Vấn đề là cần có sự thống nhất giữa các bên sao cho vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư vừa đảm bảo tính hợp lý cho người sử dụng...”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, dự kiến ngày 14/8, Cục trưởng Cục Đường bộ sẽ vào Tiền Giang để lắng nghe đề xuất của tỉnh nhắm hạn chế diễn biến xấu.
Tài xế dùng tiền lẻ qua trạm thu phí Cai Lậy. Ảnh: VnExpress |
Về những vấn đề phát sinh vừa qua như tài xế đưa tiền lẻ, xe né trạm thu phí...đã vượt quá tính toán ban đầu của tình, ông Tuấn nhận định có nguyên nhân tác động của một số tài xế quá khích.
Ông Tuần cho biết thêm, về biện pháp trước mắt, nếu tài xế đưa tiền lẻ sẽ không xử phạt mà công an sẽ hỗ trợ đưa xe về làn chờ. Với xe né trạm, sẽ chỉ kiểm tra, xử phạt những phương tiện quá tải (trên 10 tấn); những xe buýt, xe chở khách đã đăng ký tuyến cố định. Các phương tiện khác được lưu thông bình thường.
Trước đó, ông Trần Văn Bon- Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án cao tốc Trung Lương- TP HCM có quy mô đầu tư lớn hơn nhưng mức vé thấp nhất của họ là 40.000 đồng/lượt, trong khi đó dự án của BOT Tiền Giang vé thấp nhất 35.000 đồng/lượt là khá cao.
Theo báo Tri thức trực tuyến, ông Bon cho rằng: "Tuần sau Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vào kiểm tra các trạm BOT ở miền Tây. Lúc đó, tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem xét giảm giá vé cho phù hợp tại trạm Cai Lậy. Mức giá đưa ra sau này sẽ được sự đồng thuận hơn từ tài xế và các doanh nghiệp vận tải".
Cũng theo ông Trần Văn Bon, các doanh nghiệp vận tải hiện nay đang bị gánh nặng về chi phí khiến cho giá thành vận chuyển hàng hóa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cao. Doanh nghiệp và tài xế phản ánh có vài tỉnh đầu tư đường tránh đô thị nhưng không thu phí.
"Theo tôi, giá thấp nhất hiện nay là 35.000 có thể giảm xuống 25.000 đồng; cao nhất 180.000 giảm còn 150.000 đồng hoặc tỷ lệ tương ứng. Giảm giá vé dịch vụ đường bộ sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải và để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư thì có thể kéo dài thời gian thu phí ", Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang nói.
Theo báo Sài Gòn Giải phóng, trạm thu phí Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000 tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy) được đưa vào hoạt động từ ngày 1/8, do BOT Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Đây là trạm thu phí được thực hiện theo hình thức BOT để hoàn vốn dự án, đã được Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận hoạt động, thu phí trong thời gian 6 năm 4 tháng. Theo mức phí đã công bố, mỗi xe qua trạm mua phí từ 35.000 - 180.000 đồng, tùy loại xe. Trong đó, chiều dài tuyến tránh Cai Lậy khoảng 12,02km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; gia cường mặt đường quốc lộ 1 (từ xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy) đến xã Mỹ Đức Đông (huyện Cái Bè) chiều dài 26,5km, tổng vốn đầu tư khoảng 340 tỷ đồng.
Sau khi đưa vào hoạt động, nhiều tài xế đã phản đối vì cho rằng cách đặt trạm ở Quốc lộ 1 là bất hợp lý và thu phí quá cao. Để phản đối, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để mua vé qua trạm, gây khó khăn, mất thời gian cho nhân viên trạm thu phí trong kiểm đếm để xuất vé.
(Tổng hợp)