Trước sự việc nhiều nhà đầu tư tố cáo việc mất 15 nghìn tỷ vì đồng tiền ảo iFan, đã có nhiều cảnh báo về loại hình đa cấp biến tướng này được đưa ra trước đó.
Mô hình Ponzi, hay gọi dễ hiểu là đa cấp biến tướng rất phổ biến trong thời gian gần đây dưới vỏ bọc phát hành tiền thuật toán (ICO).
Điển hình như dự án iFan với lời tự giới thiệu là "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0", giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam và có sự cộng tác với nhiều nghệ sĩ Việt nổi tiếng.
Theo giới thiệu của trang web, iFan là công ty độc lập của Singapore, triển khai ứng dụng công nghệ cho fan hâm mộ các ngôi sao ca nhạc, người nổi tiếng... Để tham gia ICO, NĐT sẽ dùng đồng Ethereum mua các token iFan.
iFan lừa đảo các nhà đầu tư dưới dạng ICO trá hình. |
Tuy nhiên, dưới vỏ bọc trên, bản chất iFan chỉ là một đồng tiền ảo vô nghĩa vận hành theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, một cách lừa đảo đã quá phổ biến tại Việt Nam.
Để thu hút nhà đầu tư, dự án này sử dụng các chiêu trò hào nhoáng như dàn xe sang, diễn giả, mời các nghệ sỹ nổi tiếng tham gia hội thảo lớn tại khách sạn sang trọng cùng tỷ lệ hoa hồng cao.
Lời quảng bá phổ biến nhất với những ai muốn kiếm tiền mà không rành về tiền ảo của iFan là: “Với những NĐT không có kinh nghiệm về tiền ảo hay chiến thuật "lướt sóng" thì nên ủy thác đầu tư (lending) cho các sàn đầu tư hộ và hưởng lãi suất từ 10 - 30%/tháng”.
Trước sự “bùng nổ” của loại hình đầu tư này, vào tháng 12/2017 chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh từng cho biết, các hình thức ICO lừa đảo hiện nay có tỷ lệ lên hơn 90%. Lợi dụng bản chất của các đồng tiền kỹ thuật số là không định danh nên những kẻ ẩn danh phát hành token qua hình thức ICO sau khi phát hành có thể biến mất rất cao. Những kẻ này lấy dẫn chứng giá Bitcoin tăng mạnh để đánh vào lòng tham nhằm kêu gọi nhiều người đầu tư.
“Tôi không ngạc nhiên khi Việt Nam có nhiều ICO phát hành token bởi thời gian gần đây, không ít công ty tuyển nhân viên công nghệ có hiểu biết về tiền kỹ thuật, các hình thức đa cấp, kể cả tuyển nhân viên truyền thông có kiến thức về tiền ảo...”, ông Khánh cho hay.
Nói về các thủ đoạn lừa đảo của ICO,chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cho biết: "Tiền kỹ thuật số phải đào mới có hoặc dựa trên các thuật toán để tạo ra, chứ những đợt ICO hiện nay chủ yếu phát hành để huy động vốn thì muốn phát hành bao nhiêu cũng được. Những đề án ICO của người trong và ngoài nước cũng mang yếu tố lừa gạt cao, hình thức đa cấp trá hình rất rõ", chuyên gia này nói.
Vào đầu năm 2018, khi nhận định về ICO tại Việt Nam, Ông Dominik - đồng sáng lập Bitcoin.vn cũng cho biết: "Về vấn đề ICO, đến 99% là tôi không tin tưởng. Trong buổi sinh hoạt cộng đồng câu lạc bộ bitcoin ở Sài Gòn hay Hà Nội, nhiều tổ chức đề nghị chúng tôi giới thiệu một vài ICO nhưng chúng tôi đều từ chối. Các công ty ICO đều kiểm soát hoàn toàn số lượng, một khi biến mất thì toàn bộ số tiền cũng biến mất."
Như vậy, hình thức gọi vốn thông qua ICO đã được các chuyên gia cảnh báo tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người đầu tư ở Việt Nam có thể đối mặt với cảnh mất trắng hoặc chôn vốn bất cứ lúc nào. Một khi các nhà đầu tư bán tháo, giá trị các đồng tiền ảo này sẽ lao dốc, khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn, những nhà đầu tư cấp thấp sẽ lâm vào cảnh tay trắng.
Minh Thư (T/h)