Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiêm kích nào phù hợp nhất để thay thế MiG-21 Việt Nam?

(DS&PL) -

Khi những chiếc MiG-21 hết hạn sử dụng, Việt Nam sẽ phải giải bài toán nên tiếp tục mua Su-27/30 hay tìm một loại tiêm kích nhẹ khác để thay thế.

Khi những chiếc MiG-21 hết hạn sử dụng, Việt Nam sẽ phải giải bài toán nên tiếp tục mua Su-27/30 hay tìm một loại tiêm kích nhẹ khác để thay thế.
MiG-21 là dòng tiêm kích huyền thoại nhất thế kỷ 20, bắt đầu được trang bị từ năm 1965 và cho đến tận ngày hôm nay, MiG-21 vẫn giữ vị trí tiêm kích đánh chặn xương sống của Việt Nam. Toàn bộ số MiG-21 Việt Nam đang sử dụng được sản xuất từ những năm 1980 và đã trải qua nhiều lần tăng hạn đến mức không thể cố thêm được nữa, việc các “cụ già” MiG-21 phải lui vào hậu trường, nhường vị trí lại cho những thế hệ tiêm kích trẻ hơn là điều không thể tránh khỏi.

Máy bay tiêm kích MiG-21của Không quân Việt Nam

Tuy nhiên trong tương lai trước mắt, sự rút lui của MiG-21 sẽ để lại khoảng trống mà số lượng ít ỏi Su-27/30 cùng những tiêm kích đánh chặn bất đắc dĩ Su-22M chưa thể bù đắp được. Việc phải lựa chọn mua mới một loại tiêm kích nhẹ khác để thay thế MiG-21 là điều tất yếu.
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên mua tiếp Su-27/30 để trám vào vị trí của MiG-21. Nhưng Su-27/30 thuộc dòng tiêm kích nặng có chi phí khai thác, bảo trì rất lớn, không thực sự thích hợp để giữ vai trò xương sống.
Có thể lấy ví dụ trường hợp của Hàn Quốc, nước này với tiềm lực kinh tế hùng mạnh của mình chỉ dám duy trì 60 chiếc F-15K làm chủ lực còn xương sống vẫn là 200 chiếc tiêm kích nhẹ F-16. Việt Nam sau khi hoàn tất hợp đồng mua Su-30 thứ 3 với Nga vào năm 2015 sẽ đưa số lượng máy bay này lên thành 36 chiếc, chi phí duy trì hoạt động số lượng máy bay trên thực sự đã là vô vùng khó khăn với điều kiện kinh tế Việt Nam.
Vậy nếu như chọn mua một loại tiêm kích nhẹ để thay thế MiG-21 thì ứng viên nào tỏ ra phù hợp nhất? Chúng ta hãy cùng phân tích và đánh giá một số ứng viên sau:
1. Máy bay chiến đấu MiG-29 Fulcrum
Ứng viên đầu tiên và cũng là ứng viên nhận được nhiều ủng hộ nhất cho đến thời điểm này chính là MiG-29. Do cùng là sản phẩm của Mikoyan-Gurevich nên hầu hết các ý kiến đều cho rằng Việt Nam đã có kinh nghiệm dùng MiG-21 thì chắc chắn sẽ không gặp phải khó khăn gì khi chuyển sang MiG-29 và sẽ khai thác tốt loại máy bay này. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là một nhận định đúng đắn.

MiG-29 là máy bay chiến đấu hạng trung

Trước hết, MiG-21 là máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ còn MiG-29 thế hệ hiện tại gồm MiG-29SMT, MiG-29M/MiG-29K lại là máy bay chiến đấu hạng trung. Các phiên bản MiG-29 này đã được nâng cấp rất nhiều về hệ thống điện tử hàng không so với MiG-29 đời đầu đặc biệt là được trang bị radar ngắm bắn đa nhiệm Zhuk-ME có tầm phát hiện tối đa 120 km đối với mục tiêu có diện tích phản xạ radar 5m2, có thể theo dõi 15 mục tiêu và diệt 4 mục tiêu cùng lúc. Máy bay được thiết kế lại khung thân so với thế hệ trước như gắn thùng dầu phụ hòa nhập khí động (MiG-29SMT) hay thiết kế mới hoàn toàn (MiG-29M/MiG-29K) khiến cho tầm hoạt động tăng lên 2.000 km so với 1.400-1.500 km ở các phiên bản trước, và tải trọng vũ khí mang theo lên tới 6 tấn so với chỉ 3 tấn như trước kia.
Tuy nhiên, máy bay MiG-29 mới vẫn chỉ được trang bị động cơ RD-33 thế hệ cũ có tuổi thọ rất ngắn, chỉ sau 500 giờ hoạt động là đã phải đại tu và hơn nữa loại động cơ này nổi tiếng vì hiệu suất kém với những dòng khói đen mù mịt. Điều này khiến vấn đề bảo trì cho MiG-29 thực sự là cơn ác mộng, có thể lấy ví dụ trường hợp của Malaysia đã phải bán tháo toàn bộ số MiG-29SE của mình vì không chịu nổi chi phí bảo trì nhưng cũng không có khách hàng nào tỏ ra mặn mà với đề nghị này.

Cột khói đen mù mịt của động cơ RD-33 lắp trên MiG-29

Thêm một vấn đề rất đáng suy nghĩ nữa đó là thành tích chiến đấu của MiG-29 thực sự là một thảm họa: Trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 đã có 5 chiếc MiG-29 của Iraq bị F-15 bắn hạ, trong cuộc chiến giữa Ethiopia và Eritrea năm 1999 đã có 2 chiếc MiG-29 của Eritrea bị Su-27 của Ethiopia bắn rơi, trong cuộc chiến giữa NATO và Liên bang Nam Tư đã có 6 chiếc MiG-29 bị bắn hạ chủ yếu là do F-16, trong khi đó thành tích chiến thắng trong không chiến của MiG-29 đến thời điểm này vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Và điều cuối cùng, giá thành 1 chiếc MiG-29M/MiG-29K hiện tại vào khoảng 55 triệu USD, đây là cái giá khó có thể chấp nhận đối với loại máy bay nhiều tai tiếng như MiG-29.
2. Máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen
Ứng viên tiếp theo là JAS-39 Gripen, đây là loại máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, nhỏ gọn có tính năng cao do Thụy Điển sản xuất. JAS-39 được thiết kế với một cặp cánh delta lớn và cánh mũi đậm chất châu Âu. Máy bay có ưu điểm là rất linh hoạt, có thể cất hạ cánh trên đường băng ngắn chỉ 800m, trong quá trình chiến đấu chỉ cần mất vài phút tái nạp nhiên liệu và vũ trang là lại có thể cất cánh.
JAS-39 Gripen, đây là loại máy bay chiến đấu đa năng một động cơ, nhỏ gọn có tính năng cao do Thụy Điển sản xuất
JAS-39 được trang bị những hệ thống điện tử hàng không hiện đại bậc nhất của Thụy Điển và châu Âu trong đó nổi bật là radar xung Doppler PS-05/A của liên doanh Ericsson và GEC-Marconi có tầm hoạt động tối đa 120 km. Các công nghệ ứng dụng trên JAS-39 có 67\% của Thụy Điển và châu Âu còn lại 33\% là của Mỹ. Cấu hình vũ khí tiêu chuẩn của Gripen gồm 1 pháo 27mm Mauser BK-27, tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9 Sidewinder và tên lửa không đối đất AGM-65 Maverich.
JAS-39 Gripen với các đặc tính: nhỏ gọn, khả năng cơ động cao, dễ sử dụng, chi phí bảo trì rẻ xứng đáng là ứng viên lý tưởng để thay thế MiG-21. Tuy nhiên, rất tiếc Việt Nam lại gặp phải những trở ngại sau nếu như có ý định mua JAS-39. Trước hết, máy bay sử dụng động cơ Volvo Aero RM-12 mua lại bản quyền của Mỹ cùng toàn bộ vũ khí trang bị đều theo chuẩn Mỹ và NATO khiến Việt Nam không thể tiếp cận trong tình cảnh vẫn chịu lệnh cấm vận vũ khí sát thương, nếu chuyển đổi sang hệ Nga thì lại cực kỳ tốn kém. Hơn nữa do các thiết bị trên máy bay đến từ quá nhiều quốc gia nên sẽ gây khó khăn cho nước sử dụng khi phải tiến hành sửa chữa, thay thế và mặc dù chỉ là tiêm kích nhẹ nhưng giá của JAS-39 lên tới trên 60 triệu USD, cao hơn cả Su-30MK2 hiện có trong trang bị của Không quân Việt Nam.
3. Máy bay chiến đấu Rafale
Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, đây cũng chính là tiêm kích hiện đại nhất đang được Không quân Pháp sử dụng. Máy bay được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình cùng hệ thống chiến tranh điện tử Spectra được quảng cáo sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.
Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo
Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khi thao diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.
Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; trọng lượng rỗng 9.060 kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí gồm: tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km. Các thông số này của Rafale còn vượt trội cả tiêm kích hạng nặng Su-30 của Nga.
Rafale mặc dù có tính năng chiến đấu cực kỳ ưu việt, có thể nói là số 1 trong các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay nhưng lại có nhược điểm là giá thành quá cao, lên tới trên 125 triệu USD/chiếc, gấp đôi Su-30MK2 nên tỏ ra không phù hợp để trang bị với số lượng lớn nhằm thay thế vai trò tiêm kích nhẹ của MiG-21.
4. Ứng viên phù hợp nhất - Máy bay chiến đấu Mirage 2000
 Mirage 2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982. Máy bay có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,2; tầm hoạt động 1.550 km, khả năng chịu quá tải lên tới 11G so với 9G của đa số máy bay chiến đấu thế hệ 4 khác. Mirage 2000 có thể mang theo tới 7 tấn vũ khí gồm tên lửa không đối không MICA hoặc R-550 Magic 2, tên lửa không đối đất AS-30L, tên lửa hành trình tấn công mặt đất ASMP hoặc tên lửa không đối hạm Exocet AM39. Đây đều là những vũ khí do Pháp sản xuất và không chịu hạn chế từ bất cứ lệnh cấm vận nào.

 Mirage 2000 là một tiêm kích đa nhiệm cánh tam giác rất nhanh nhẹn được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Không quân Pháp từ năm 1982.

Hệ thống điện tử của Mirage 2000 khá hiện đại với cảm biến chính là radar xung Doppler Thomson-CSF RDY có tầm phát hiện mục tiêu tối đa 110 km ở chế độ đối không và 37 km ở chế độ đối đất. Radar có thể theo dõi đồng thời 8 mục tiêu và dẫn đường cho vũ khí tấn công 4 mục tiêu cùng lúc. Ở phiên bản hiện đại hóa sâu Mirage 2000-5, máy bay được trang bị radar Thompson RDY-3 tăng khả năng theo dõi lên tới 24 mục tiêu cùng lúc.
Một điểm rất đáng lưu ý đó là Mirage 2000 đã trải qua thực chiến ở cả nhiệm vụ tiêm kích lẫn cường kích. Ngày 10/10/1996, một chiếc Mirage 2000 của Hy Lạp đã phóng một tên lửa R-550 Magic 2 và bắn hạ một chiếc F-16D (số 91-0023) của Thổ Nhĩ Kỳ phía trên biển Aegea. Trong cuộc xung đột Kargil 1999, Mirage 2000 của Ấn Độ đã chứng tỏ khả năng lý tưởng khi thực hiện nhiệm vụ ném bom ở độ cao lớn trong khi các máy bay Nga như MiG-21, MiG-23, MiG-27 đều gặp vấn đề khi hoạt động ở độ cao này hay tỏ ra kém cỏi trước MANPAD của đối phương. Bảo dưỡng đơn giản và có tỷ lệ xuất kích rất cao (so với các máy bay chiến đấu Nga) khiến Mirage 2000 trở thành loại máy bay chiến đấu hiệu quả nhất của Không quân Ấn Độ trong cuộc xung đột này.
Hiện tại Không quân Pháp còn bảo quản hàng chục chiếc Mirage 2000 trong các kho dự trữ, những máy bay này sau khi nâng cấp lên chuẩn Mirage 2000-5 với giá 45 triệu USD sẽ có năng lực chiến đấu tương đương với F-16 Block 52 của Mỹ, thời hạn sử dụng sau nâng cấp sửa chữa kéo dài thêm ít nhất 20 năm. Phương án mua máy bay cũ rồi nâng cấp còn có ưu điểm nữa đó là có thể nhanh chóng giao hàng so với sản xuất mới, điều này đặc biệt quan trọng trong tình hình căng thẳng hiện nay.
Tóm lại, sau khi đánh giá các ứng viên tiêm kích nhẹ để thay thế MiG-21 sắp hết hạn sử dụng thì Mirage 2000-5 của Pháp có vẻ nổi trội hơn hẳn trên cả 2 tiêu chí quan trọng nhất là tính năng và giá thành. Với quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp và với những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới trong thời gian qua thì rất có thể bản hợp đồng bị hủy bỏ vào phút chót hồi giữa những năm 1990 sẽ được khôi phục vào một tương lai không xa. 

Tin nổi bật