Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiệm Cầm đồ mùa World Cup 2018: Chọn tài sản sang, chê “hàng” bình dân và nỗi đau đệ tử túc cầu

(DS&PL) -

World Cup 2018 mới khởi tranh vài ngày nhưng lượng tài sản cầm cố tại các điểm cầm đồ tăng nhiều lần.

World Cup 2018 mới khởi tranh vài ngày nhưng lượng tài sản cầm cố tại các điểm cầm đồ tăng nhiều lần. Nhiều tiệm lựa chọn mặt hàng cầm cố đã công khai "ưu tiên" sổ đỏ, iPhone X, không "mặn mà" với lap- top, xe máy... Do vậy, đối với không ít người hâm mộ Việt Nam, mùa World Cup còn được định nghĩa là mùa cá độ, cầm đồ và... bán nhà.

Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, các tiệm cầm đồ hiện nay làm việc theo lịch trình 24/24h để phục vụ nhu cầu khách giao dịch trong mùa World Cup 2018. Nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này nhận định, đây là “mùa làm ăn”. Thực tế những ngày qua cho thấy, World Cup chỉ mới khởi tranh vài ngày nhưng một số tiệm cầm đồ đã phải “sàng lọc” mặt hàng để cầm vì có dấu hiệu quá tải.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn V., (chủ một tiệm cầm đồ Q.V. tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay, mỗi ngày, chỉ cần sau khi các trận đấu kết thúc, lượng khách đến điểm cầm cố tài sản tăng chóng mặt. Ngày thường, tiệm mở từ 9h - 22h. Những ngày này, gia đình anh phải mở cửa tiệm 24/24h để phục vụ khách hàng. Không những thế, anh V. phải thuê thêm một bãi xe để cất giữ xe khách cầm cố và thuê thêm 4 nhân viên bảo vệ, trông giữ. Anh Nguyễn Văn S. (chủ tiệm cầm đồ K.S., quận 8) nhận xét: "Hàng năm, có nhiều giải bóng đá. Đây cũng là thời điểm giúp việc kinh doanh cầm đồ đông khách. Đặc biệt năm nay, World Cup 2018 diễn ra mới vài ngày nhưng tiệm cầm đồ của tôi đã chật cứng chỗ để xe của khách đem cầm. Các tài sản khác như điện thoại, máy tính số lượng tăng gấp ba, bốn lần ngày thường. Tuy nhiên, món đồ cầm có giá trị nhất là sổ đỏ, hiện chúng tôi cũng cầm hàng chục cuốn rồi".

Một tiệm cầm đồ làm việc về đêm tại quận Thủ Đức, TP.HCM.

Tương tự, một số tiệm cầm đồ ở quận Tân Phú, quận Tân Bình (TP.HCM)... cũng bắt đầu sàng lọc tài sản cầm cố. Hiện tại, nhiều cửa tiệm do nhận cầm xe máy quá nhiều nên các chủ tiệm không nhận thêm loại tài sản này. Thay vào đó, họ chủ yếu nhận cầm máy tính đắt tiền, điện thoại iPhone X, vòng vàng và sổ đỏ.

Lý giải việc không cầm đồ bình dân, anh Bùi Nguyễn Q. (chủ tiệm cầm đồ M.Q. quận 6, TP.HCM) nói: "Theo kinh nghiệm của một người làm nghề cầm đồ 10 năm, tôi khẳng định chỉ cần sau khoảng một tháng kết thúc mùa bóng, rất nhiều người chấp nhận bỏ đồ đã cầm. Trong đó, mặt hàng xe máy bình dân đã đi 10.000km trở lên luôn nằm trong danh sách hàng thanh lý. Những chiếc xe máy sau khi thanh toán hợp đồng với khách, chúng tôi treo biển bán cả năm mà vẫn không ai mua. Cho nên, năm nay, tiệm nhà tôi chỉ cầm những chiếc xe có giá trị như SH. Vì dòng xe này, hiếm khi khách bỏ lại, mà có bỏ lại cũng dễ bán".

Cũng theo anh, hầu hết người kinh doanh dịch vụ cầm đồ ưa thích việc cầm cố sổ đỏ hơn cả. "Việc cầm sổ đỏ vừa gọn nhẹ, dễ cất giữ lại giá trị rất cao. Tuy nhiên, khi giao dịch các loại tài sản sổ đỏ cần người có nhiều kinh nghiệm để nhận biết tính pháp lý của nó. Nếu không, người cầm dễ mắc lừa với các loại sổ giả, sổ do ăn trộm mà có...", anh Q. tiết lộ thêm.

Sau thời gian đi ghi nhận thực tế, PV nhận thấy hầu hết các tiệm cầm đồ trên địa bàn TP.HCM đều tấp nập trong mùa World Cup. Tùy vào từng địa bàn, thành phần khách đến giao dịch, chủ tiệm sẽ đưa ra các tiêu chí về những mặt hàng cầm cố. Mục đích cũng là làm thế nào để bằng mọi cách thu lợi cho mình từ những đam mê, say cá độ của người hâm mộ bóng đá.

Tại Hà Nội, thời điểm hiện tại, các cửa hàng cầm đồ lại được dịp “hốt bạc” và cũng thực hiện chiêu “nói không với tài sản rẻ tiền”. Cùng với tiếng còi khai cuộc mùa World Cup 2018, nhiều cửa hàng cầm đồ dọc đường Láng đã liên hệ với chủ các bãi gửi xe để chuẩn bị mặt bằng cho việc lưu giữ ô tô, xe máy của đệ tử túc cầu. Theo một chủ tiệm cầm đồ, toàn bộ những mặt hàng lặt vặt đã thanh lý hết để thu hồi vốn, chuẩn bị cho đợt “nhập hàng” mới, ưu tiên cho các mặt hàng có giá trị cao. Đặc biệt, dịp này chỉ nhận cầm cố trong thời gian 5-10 ngày. Quá thời hạn, nếu khách không đến đóng lãi hoặc gia hạn thêm thì đương nhiên món đồ coi như “đứt” luôn. Bởi lẽ, do lượng khách đông, cửa hàng nào cũng muốn thanh lý nhanh để quay vòng vốn, thu lợi nhuận cao.

Huệ Trần
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật Tháng số 26

Tin nổi bật