Thụy Điển, một trong những quốc gia châu Âu viện trợ nhiều nhất cho Campuchia, mới đây cảnh báo sẽ cân nhắc lại các cam kết với Campuchia.
Nguyên nhân của lời cảnh báo này xuất phát từ án tù 5 tháng mà Chính phủ tại nhiệm đưa ra cho ông Kem Sokha, người đứng đầu Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia (CNRP) liên quan tới tội "phản quốc".
Ông Kem Sokha - Ảnh: CambodiaDaily |
Việc loại bớt một đảng đối lập sẽ giúp Thủ tướng Hun Sen có thêm nhiều lợi thế trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2018. Trong tuần này, quốc hội Campuchia đã chuẩn bị danh sách ứng cử viên cũng như cơ chế bổ nhiệm để lấp đầy vị trí bỏ trống ở Quốc hội trong trường hợp đảng CNRP bị giải thể.
Hôm 12/10, Đại sứ Mỹ tại Campuchia đã kêu gọi chính quyền trả lại tự do cho ông Kem Sokha, bất chấp cáo buộc của của chính phủ nước này cho rằng Mỹ đã có động thái "không chính xác, gây hiểu nhầm và vô căn cứ".
Phát biểu tại họp báo kết thúc chuyến thăm Campuchia, đại sứ Nhân quyền Thụy Điển Annika Ben David cho rằng nỗ lực đàn áp phe đối lập có thể “gây ra nhiều hậu quả”, nhưng chưa cung cấp thêm chi tiết về phản ứng sắp tới của chính phủ Thụy Điển.
Bà Annika Ben David - Ảnh: MZV |
Phát ngôn viên chính phủ Campuchia, ông Phay Siphan, bác bỏ ý kiến của bà David, công khai cho rằng đây là một sự can thiệp quá sâu và xúc phạm tới chính quyền tại nhiệm : “Chính phủ Hoàng gia Campuchia không thể chấp nhận một phát biểu mang tính công kích như vậy".
Bà David đã công khai nhiều số liệu cho thấy Thụy Điển đã viện trợ Campuchia trong 5 năm với số tiền lên tới 100 triệu USD, đứng thứ 3 trong danh sách các quốc gia EU viện trợ Campuchia nhiều nhất, sau Pháp và Đức. Bà cũng chỉ ra rằng hãng thời trang Thụy Điển H&M là một trong những khách hàng chủ chốt của các nhà máy may mặc Campuchia, nguồn thu ngoại tệ chính của nước này.
Thu Phương (Theo Reuters)