Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, không ít đại gia tiếng tăm trên thị trường cũng lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều thương hiệu "vang bóng một thời" vẫn kinh doanh khấm khá.
Nhiều thương hiệu vang bóng một thời "nổi" lên giữa mùa dịch Covid-19. Ảnh minh họa |
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống- xã hội, đặc biệt là kinh tế.
Không ít "ông lớn" có tiếng tăm trên thị trường đã báo lỗ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng vì sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.
Thế nhưng, dịch bệnh dường như không làm “sứt mẻ” các thương hiệu Việt có lịch sử hình thành lâu đời và ghi dấu ấn trong lòng người Việt.
Giữa thời điểm khó khăn như vậy, nhiều thương hiệu "vang bóng một thời" như Mì Miliket, Cao Sao Vàng, Diêm Thống Nhất...sau một thời gian tái cấu trúc hoặc sáp nhập với các "ông lớn", những thương hiệu này hồi sinh mạnh mẽ, mặc dù trước đó từng phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, phải thu hẹp quy mô, tên tuổi bị xóa nhòa.
Một thương hiệu khá đình đám vốn quen thuộc với người dân Việt trong thời bao cấp với khả năng chữa nhiều thứ bệnh từ đau bụng, cảm cúm, nhức đầu cho đến giảm đau cơ là Cao Sao Vàng hiện đang trở thành hiện tượng trên trang thương mại Amazon của Mỹ.
Trên trang Amazon Cao Sao Vàng đang được bán với giá gần 70.000 đồng/hộp, nhận được nhiều lời khen từ người mua trên thế giới như “Tuyệt vời, rất tốt, giảm cơn đau nhanh như chớp”.
Mỳ hai con tôm Miliket, biểu tượng lâu bền trong lòng người tiêu dùng Việt đối diện với cạnh tranh từ các đối thủ mạnh về nguồn lực nhưng vẫn kiếm lãi đều đặn qua từng năm. Thậm chí giữa dịch bệnh Covid-19, thương hiệu này vẫn đặt kế hoạch lãi hàng chục tỉ đồng trong năm nay và tỉ lệ chia cổ tức lên đến 33% cho mỗi cổ đông.
Tương tự, tại đại hội cổ đông tổ chức vào tháng 7 vừa qua, ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất cam kết sẽ có lãi và chi trả cổ tức gần 10% cho mỗi cổ đông.
Theo một số chuyên gia kinh tế, các thương hiệu Việt vang bóng một thời chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng thiết yếu.
Do đó, đây là một trong các yếu tố giúp việc kinh doanh vẫn thông suốt trong dịch bệnh. Bên cạnh đó là sự nỗ lực tái cấu trúc, đổi mới của các doanh nghiệp để vươn lên cạnh tranh trên thị trường.
Trong một diễn biến có liên quan, một thương hiệu "vang bóng một thời" là CTCP Giày Thượng Đình mới đây đã bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn để thi hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của Chi cục Thuế quận Thanh Xuân.
Giày Thượng Đình có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Quyết định này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 31/7/2020-30/7/2021 hoặc chấm dứt khi Công ty nộp đủ tiền vào Ngân sách Nhà nước.
Bạch Hiền (t/h)