“Do ảnh hưởng xấu từ các trang mạng xã hội dẫn đến tình trạng thái độ của nhiều người dân khi nhìn thấy các vụ việc chống đối CSGT còn vô cảm, thậm chí còn kích động, lôi kéo”, Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT nhận định.
Ngày 30/11, thông tin về việc Thiếu tá Trần Văn Vang (SN 1975, Đội CSGT số 2, Phòng 10, Cục CSGT, Bộ Công an) tử nạn do tai nạn giao thông khiến nhiều đồng nghiệp bàng hoàng.
Đồng đội đến chia buồn với gia đình Thiếu tá Trần Văn Vang |
Nguyên nhân là trong khi làm nhiệm vụ trên đường Quốc lộ 3, Thiếu tá Vang phát hiện 2 thanh niên điều khiển xe máy đi vào đường cấm nên ra lệnh dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, nam thanh niên điều khiển xe bất tuân hiệu lệnh, tăng tốc đâm thẳng vào người Thiếu tá Vang.
Cú đâm mạnh khiến Thiếu tá Vang bị thương nặng, dù được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi và tử vong vào chiều ngày 30/11.
Sau đó, đối tượng điều khiển xe đâm Thiếu tá Vang là Hoàng Văn Trường (SN 1993, ở xóm Nhất Trí, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đã bị cơ quan Công an TP Thái Nguyên bắt giữ.
Nam tài xế liên tiếp đánh vào đầu, mặt của chiến sĩ CSGT. (Ảnh cắt từ clip) |
Mới đây nhất, trên mạng xã hội bất ngờ xuất hiện đoạn clip một thanh niên liên tiếp hành hung chiến sĩ CSGT. Vụ việc được xác định diễn ra rạng sáng ngày 20/12 tại TP.Biên Hòa.
Theo đó, nam thanh niên hành hung CSGT được xác định là Nguyễn Minh Việt (30 tuổi, ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai). Thời điểm trên, Việt điều khiển xe tải có dấu hiệu vượt tải trọng. Khi lực lượng CSGT Đồng Nai yêu cầu dừng xe và cử một đồng chí đi kèm xe đến trạm cân thì bất ngờ xe chuyển hướng, lật nghiêng.
Ngay khi xe lật nghiêng, tài xế Việt cho rằng CSGT đã tác động đến chìa khóa và khiến xe gặp tai nạn nên liên tiếp dùng tay đánh vào đầu, mặt của chiến sĩ CSGT. Nhận được tin báo, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường và đưa đối tượng về trụ sở để điều tra, làm rõ hành vi.
Tình trạng chống đối CSGT gia tăng
Theo báo cáo từ Cục CSGT, tính từ đầu năm 2017 đến nay, toàn quốc đã xảy ra 48 vụ chống đối CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ; làm 3 chiến sĩ hy sinh, 4 chiến sĩ bị thương, trong đó có một số đồng chí bị thương nặng. Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 27 vụ và 27 đối tượng.
Có thể thấy, tình trạng chống đối CSGT làm nhiệm vụ đang tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân là do một bộ phận người tham gia giao thông khi đi trên đường không mang giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, tránh, vượt không đúng quy định, sử dụng rượu bia... Khi bị CSGT dừng xe kiểm tra thì gọi điện nhờ người quen để xin xỏ hoặc đưa hối lộ. Thậm chí nhiều người còn lăng mạ, xúc phạm để đòi trả phương tiện. Manh động hơn, một số còn sẵn sàng đốt phương tiện khi bị giam giữ, tấn công, gây thương tích cho các chiến sĩ CSGT.
Nam thanh niên đốt xe khi bị lực lượng CSGT xử phạt tại ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh (Hà Nội) |
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng trên, Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: "Nhiều năm nay, việc đào tạo, thi sát hạch và cấp giấy phép lái xe; quản lý lái xe bị buông lỏng. Điều này dẫn đến việc các cơ sở đào tạo chỉ chú trọng nghiệp vụ lái xe chứ chưa quan tâm đến kỹ năng lái xe, đào tạo đạo đức văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông. Nhiều người dự thi sát hạch không được đào tạo bài bản, đúng quy định nhưng vẫn được cấp GPLX; chất lượng đào tạo, sát hạch còn chưa theo kịp với tình hình thực tế.
Công tác quản lý người lái xe chưa chặt chẽ, nhiều trường hợp GPLX bị tạm giữ phục vụ cho việc xử lý vi phạm hành chính nhưng lại được báo mất để cấp lại; tình trạng sử dụng GPLX giả hoặc GPLX không đúng quy định dẫn đến nguyên nhân chống đối người thi hành công vụ diễn ra nghiêm trọng trong thời gian qua (điển hình vụ lái xe contenner chống lại CSGT tại Hà Tĩnh); có trường hợp tiền sử lái xe đã từng bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được cấp GPLX ( Hòa Bình); Chất lượng giáo viên tại các Trung tâm đào tạo lái xe chưa đảm bảo, có trung tâm đã sử dụng giấy tờ giả để làm hồ sơ giáo viên tổ chức dạy thực hành lái xe ( Đăk Lăk)…".
Hình ảnh chiến sĩ CSGT bị hất lên nóc capo khiến dư luận bức xúc hồi năm 2012 |
Bên cạnh đó, Đại tá Lê Xuân Đức cũng cho biết, do tác động, lôi kéo ảnh hưởng xấu của các trang mạng xã hội tuyên truyền cách thức chống đối CSGT dẫn đến tình trạng thái độ của nhiều người dân khi nhìn thấy các vụ việc này còn vô cảm, thậm chí còn kích động lôi kéo chống lại CSGT.
Một số cán bộ chiến sĩ CSGT ( chủ yếu là cán bộ trẻ) mặc dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và văn hóa ứng xử nhưng phương pháp giải quyết công việc chưa thấu tình, đạt lý, kiên quyết nên trong khi thực hiện nhiệm vụ có lúc còn lúng túng, thiếu linh hoạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chống lại lực lượng CSGT trong khi thi hành công vụ hiện nay.
CSGT làm gì để tự bảo vệ bản thân?
Để ngăn chặn hành vi chống đối, gây thương tích cho CSGT khi làm nhiệm vụ, Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Cục CSGT tập huấn pháp luật nghiệp vụ giải quyết các tình huống, tăng cường kiểm tra đối với CBCS khi thực thi nhiệm vụ. Cục CSGT cũng đề nghị các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án nhân dân tiến hành xét xử công khai, lưu động các vụ án chống người thi hành công vụ để răn đe, giáo dục chung.
Đại tá Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT |
Liên quan đến chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, Cục CSGT đã đề nghị Bộ Công an kiến nghị Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ, tăng mức hình phạt, đảm bảo đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm và tăng thẩm quyền cho người thi hành công vụ được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để bảo vệ mình trong những trường hợp, tình huống cụ thể được pháp luật quy định.
Đại tá Lê Xuân Đức cho biết, Cục CSGT cũng thường xuyên tổ chức tập huấn cho lực lượng CSGT về văn hóa giao tiếp ứng xử; kỹ năng xử lý, giải quyết tình huống có xung đột. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, điều lệnh, quân sự, võ thuật để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng CSGT. Yêu cầu trong khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông phải có nghiệp vụ giỏi, tư thế, tác phong đúng mực, kỹ năng xử lý tình huống đúng pháp luật, kiên quyết nhưng phải linh hoạt. Tăng cường trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, vũ khí, phương tiện cho cán bộ chiến sỹ thực thi công vụ đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.
Liên quan đến vụ việc Thiếu tá Trần Văn Vang hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, ngày 19/12, Công an TP Thái Nguyên đã quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Hoàng Văn Trường từ hành vi "Chống người thi hành công vụ" sang hành vi "Giết người". |
Hoàng Giang