Vụ ám sát Abdullah được tiến hành bởi các đặc nhiệm Israel theo đề nghị của Mỹ, tờ The New York Times dẫn lời 4 quan chức tình báo.
Lệnh truy nã Abdullah Ahmed Abdullah của FBI. Ảnh: FBI |
Báo The New York Times hôm 13/11 đưa tin, Abdullah Ahmed Abdullah - chỉ huy cấp cao thứ hai của al-Qaeda, khoảng 58 tuổi, đã bị hai người đàn ông đi xe mô tô ám sát trên đường phố Tehran khi đang lái chiếc Renault L90 màu trắng chở con gái hôm 7/8.
Vụ ám sát Abdullah được tiến hành bởi các đặc nhiệm Israel theo đề nghị của Mỹ, tờ The New York Times dẫn lời 4 quan chức tình báo. Hiện giới chức Mỹ chưa có bình luận về thông tin này.
Con gái của Abdullah được cho là cũng chết trong vụ ám sát này. Con gái của Abdullah là Miriam, góa phụ của Hamza bin Laden. Hamza là con trai của trùm khủng bố Osama bin Laden.
Tuy nhiên, ngày 14/11, Iran đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên báo New York Times cho rằng Abdullah Ahmed Abdullah - thủ lĩnh số 2 của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda - bị các đặc vụ Israel tiêu diệt tại nước này hồi tháng Tám vừa qua theo chỉ đạo của Mỹ.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định không có "phần tử khủng bố" al-Qaeda nào trong lãnh thổ Iran và nhấn mạnh: "Thỉnh thoảng, Washington và Tel Aviv lại tìm cách gắn Iran với các nhóm như vậy bằng cách nói dối và rò rỉ các thông tin sai lệch cho giới truyền thông hòng né tránh trách nhiệm về những hành động tội phạm của tổ chức này và các nhóm khủng bố khác trong khu vực".
Abdullah đã tham gia thành lập nhóm khủng bố khét tiếng và được cho là đã dàn dựng các cuộc tấn công năm 1998 vào các đại sứ quán Mỹ ở Tanzania và Kenya, khiến 224 người, trong đó có 12 người Mỹ, thiệt mạng.
Abdullah nằm trong danh sách truy nã gắt gao nhất của FBI. FBI treo thưởng 10 triệu USD cho thông tin để bắt giữ được Abdullah Ahmed Abdullah.
Một số nhà phân tích Mỹ cho rằng nếu cái chết của Abdullah là thật, điều này đồng nghĩa với việc cắt đứt mối liên hệ giữa một trong những thủ lĩnh cuối cùng của al-Qaeda và thế hệ chiến binh Hồi giáo hiện tại, những người đã trưởng thành sau cái chết của Bin Laden năm 2011.
"Nếu đúng, việc này tiếp tục cắt đứt mối liên hệ giữa al-Qaeda cũ và thế hệ thánh chiến hiện đại", Nicholas J. Rasmussen, cựu giám đốc Trung tâm Chống Khủng bố Quốc gia, nói. "Việc này góp phần đẩy mạnh sự phân rã và phân quyền trong phong trào al-Qaeda".
Mộc Miên (T/h)