(ĐSPL) - Cụ Nguyễn Đình Chác (83 tuổi) trú tại khu 8, thị trấn Thanh Thủy (Thanh Thủy - Phú Thọ) "tố" ngày 15/6, cụ bị ông Đoàn Quốc Chính công tác tại Công an phường Nông Trang (TP.Việt Trì - Phú Thọ) là hàng xóm dùng tay bóp cổ khiến cụ choáng váng phải nhập viện điều trị.
Cụ ông 83 tuổi nói gì?
Theo đơn tố cáo của cụ Nguyễn Đình Chác (SN 1931, trú tại khu 8, thị trấn Thanh Thủy), gia đình cụ có tranh chấp đất đai với hàng xóm là Thiếu tá Đoàn Quốc Chính (SN 1971) hiện đang công tác tại Công an phường Nông Trang (TP.Việt Trì). Khi xây dựng tường bao, ông Chính đã xảy ra xô xát với cụ Chác. Cụ thể ông Chính đã bóp cổ cụ Chác(?!).
Tiếp chuyện PV khi đang nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy, cụ Chác tỏ ra rất bức xúc với hành vi của ông Chính. Cụ Chác kể, sáng Chủ nhật ngày 15/6, ông Đoàn Quốc Chính cho thợ đến xây tường bao tại ranh giới giữa hai nhà. Do khu đất này vẫn chưa rõ ràng về ranh giới nên cụ Chác ra ngăn cản, yêu cầu thợ dừng tay và thông báo cho ông Chính. Khi gặp ông Chính, cụ Chác có nói về việc thống nhất ranh giới giữa hai nhà. "Nói chuyện được một vài câu thì bất ngờ ông Chính lao tới túm, bóp cổ tôi, khi đó tôi vẫn đứng bên phần đất nhà mình. Lúc đó có mấy anh thợ xây nhưng mọi người chỉ đứng nhìn chứ không ai can thiệp. Một lúc thì Chính buông tôi ra. Tôi cảm thấy rất khó thở..." - cụ Chác cho biết.
|
Cụ Chác "tố" bị Thiếu tá công an bóp cổ. |
Ngay sau khi bị ông Chính hành hung, cụ Chác đã hô hoán và chạy sang nhà ông Sự là Trưởng Công an thị trấn Thanh Thủy ở gần đó để kêu cứu. Khi sự việc xảy ra, cụ Chác ở nhà một mình nên không có người chứng kiến.
Sau khi cụ Chác trình báo, công an thị trấn đã cử hai công an viên xuống hiện trường và đưa cụ Chác đến trạm xá thị trấn để kiểm tra sức khỏe. Tại đây, các bác sỹ khẳng định trên cơ thể cụ Chác không có dấu hiệu của việc hành hung và cho cụ này về? Tuy nhiên, đến chiều hôm sau, cụ Chác bắt đầu có những biểu hiện như tức ngực, nghẹn cổ, khó thở nên đã đến bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy để thăm khám.
Ông Trần Văn Thức - Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Thủy cho biết, cụ Chác nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp, vùng cổ có một vết bầm tím nhỏ nhưng chưa xác định được nguyên nhân.
Có hay không chuyện Thiếu tá công an bóp cổ dân?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Chu Văn Sự - Trưởng Công an thị trấn Thanh Thủy cho biết, công an thị trấn đã nhận được đơn phản ánh của cụ Chác và tiến hành điều tra xác minh vụ việc ngay trong hôm đó.
Cũng theo ông Sự, cụ Chác khẳng định những gì mình trình bày trong đơn là sự thật. Về phía ông Chính, công an đã mời ông này đến làm việc. Tại cơ quan công an, ông Chính khai không hề có chuyện ông hành hung cụ Chác? Ông Chính còn khẳng định khi thấy cụ Chác "đôi co" với một số người thợ mà mình thuê thì ông có chạy ra mời cụ Chác vào nhà để nói chuyện nhưng cụ Chác không chịu. Ông Chính tiếp tục cho thợ làm thì cụ Chác lao vào để ngăn cản, ông Chính có đẩy cụ Chác ra chứ không hề bóp cổ như lời cụ Chác tố cáo? Một số người làm công cho ông Chính hôm đó khi được công an hỏi thì đều nói "do mải làm nên không để ý?"!
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thanh Huyền (SN 1973, vợ ông Chính) cho biết, không có chuyện chồng bà bóp cổ cụ Chác như cụ đã tố cáo.
Do cơ quan chức năng vẫn đang xác minh vụ việc nên câu chuyện Thiếu tá công an bị tố bóp cổ ông lão 83 tuổi hiện đang là đề tài bán tán xôn xao của người dân thị trấn Thanh Thủy. Họ cho rằng một người như ông Chính mà lại có hành động côn đồ như vậy với một cụ ông đã ngoài 80 là không thể chấp nhận được. Nhiều người đồn đoán rằng vì ông Chính là công an nên "vụ việc sẽ bị chìm xuồng".
Khi biết thông tin ông Chính phủ nhận việc hành hung mình, cụ Chác tỏ ra buồn rầu. "Tôi không nghĩ ông ta lại là người đổi trắng thay đen như thế. Trước đây khi cụ Lộ (bố ông Chính) còn sống, hai gia đình ăn ở với nhau có đến nỗi nào đâu, vậy mà sau khi ông ấy mất, đám con chia đất rồi cứ lấn chiếm sang nhà người khác. Tôi già cả, thân cô thế cô, nhà có ba cô con gái thì làm sao mà chống lại được họ, đành ngậm ngùi để họ chiếm đất. Họ ngang nhiên xây dựng tường, lấn vào đất nhà tôi đến mấy mét thì tôi phải ngăn cản chứ. ông ta bóp cổ tôi một lúc tôi mới giãy ra được. Khi bóp cổ tôi, ông ấy còn nghiến răng nói: "Cho mày chết, cho mày chết này". Đám thợ thuyền thấy vậy nhưng cũng không ai can ngăn vì họ sợ ảnh hưởng đến miếng cơm, manh áo của mình" - cụ Chác bức xúc cho biết.
Luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, trong vụ việc trên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra để đưa ra kết luận cuối cùng về sự việc, giúp ổn định tình hình an ninh trật tự cũng như giải đáp thắc mắc của người dân, nhất là một trong hai người lại đang công tác trong ngành công an. Luật sư Tú cũng cho biết, vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng và thương tật chưa xác định nên cũng khó xử lý. Tuy nhiên nếu có đủ bằng chứng có thể xem xét xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Thẩm quyền giải quyết thuộc Công an thị trấn Thanh Thủy? Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1959), con gái cụ Chác cho biết, gia đình đã mang đơn đến trình báo tại Công an huyện Thanh Thủy. Thế nhưng lãnh đạo đơn vị này cho biết thẩm quyền xử lý vụ việc thuộc Công an thị trấn Thanh Thủy nên đã hướng dẫn bà Liên xuống gặp công an thị trấn để giải quyết. Bà Liên đã phải chạy ngược xuôi nhiều lần để đi tìm công lý cho bố. |