(ĐSPL) - Dùng gần 600 triệu đem sang Campuchia đá gà thua hết, khi về Út loan tin là bị cướp ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Theo báo Công lý, ngày 22/11, TAND huyện Long Hồ (Vĩnh Long) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Văn Út (sinh năm 1980, ngụ số 411A/31 khu dân cư ấp Phước Yên A, xã Phú Quới, huyện Long Hồ) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Trương Văn Út - Ảnh: báo Công an TP. HCM |
Báo Công an TP. HCM thông tin, Út có thỏa thuận với vợ chồng cậu ruột mình là ông Trương Thanh Nhã (SN 1973) và bà Nguyễn Thị Phụng (SN 1978, ngụ ấp Phước Lợi C, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) về việc hùn tiền mua lúa về xay xát bán kiếm lời.
Ngày 31/12/2014 và ngày 5/1/2015, bà Phụng cùng ông Nhã đến ngân hàng khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) chuyển tiền cho Út với số tiền tổng cộng là 900 triệu đồng, trong đó có phần tiền của Út là 250 triệu đồng.
Khi nhận được tiền, Út lấy 348 triệu đồng đi mua lúa, số tiền còn lại Út đem sang Campuchia đá gà thua hết, khi về Út loan tin là bị cướp ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ông Nhã và bà Phụng đã đến trình báo Cơ quan công an về việc Út bị cướp, nhưng trong quá trình điều tra xác định Út đã đem tiền đi đá gà thua hết chứ không phải bị cướp.
Đối tượng Út đã nhờ mẹ mình vay mượn bồi thường cho vợ chồng ông Nhã 100 triệu đồng.
Tại tòa, Út thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải, HĐXX đã tuyên phạt Trương Văn Út 4 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo bồi thường cho gia đình ông Nhã 202 triệu đồng.
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009: 1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]MBvq2p55Fn[/mecloud]