Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét

(DS&PL) -

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo quan trọng về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển...

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo quan trọng về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Thúc đẩy tăng trưởng GDP

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ trong năm 2017 là tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, có đối sách, biện pháp chỉ đạo phù hợp, kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo quan trọng về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Trước tình hình GDP quý I đạt thấp, Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng đề ra, chỉ đạo xây dựng kịch bản hàng quý cho từng ngành, lĩnh vực; thảo luận, thống nhất tại phiên họp Chính phủ hàng tháng và yêu cầu các cấp, các ngành điều hành quyết liệt, có biện pháp cụ thể, phát triển mạnh các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về tín dụng, thuế, phí, đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, xuất nhập khẩu; cắt giảm điều kiện kinh doanh; thường xuyên đối thoại, lắng nghe, giải quyết kịp thời hơn kiến nghị của doanh nghiệp, người dân.

Tổ chức Hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp và nhiều hội nghị, diễn đàn về phát triển kinh tế ngành, vùng, xúc tiến thương mại, đầu tư, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài. Chỉ đạo rà soát, cắt giảm chi phí, trong đó giảm lãi suất, chi phí vốn, phí BOT và nhiều loại chi phí khác.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, quyết liệt chỉ đạo xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ nhân dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.

Chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,41% , ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng 2,78% (gấp hơn 4 lần cùng kỳ), trong đó thủy sản tăng cao 5,42%; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cả năm đạt 35 tỷ USD. Công nghiệp và xây dựng tăng 7,17%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế đạt 9,45 triệu lượt, ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước đạt 57,9 triệu lượt, ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%.

Về văn hóa, xã hội. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa thiết thực, có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc trên phạm vi cả nước nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Tích cực giải quyết hồ sơ tồn đọng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công. Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm; trong 9 tháng tạo việc làm cho 1,24 triệu người, tăng 3,48%, trong đó đưa gần 93 nghìn người đi lao động ở nước ngoài.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm có xu hướng giảm dần qua các quý, đến nay còn 2,21%. An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 - 1,5%, còn khoảng 6,7 - 7,2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Xuất cấp gần 71 nghìn tấn gạo cứu trợ đột xuất và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 13,5 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 11,4 triệu.

Về tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Tăng cường quản lý tài nguyên, đất đai, khoáng sản. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 96,3%. Thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chỉ đạo quyết liệt xử lý tình trạng khai thác đá, cát sỏi, chặt phá rừng trái phép. Tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đẩy mạnh trồng rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết dừng chủ trương đầu tư đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường.

Về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính. Tập trung chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá 1 lần/năm. Công khai chỉ số cải cách hành chính của các Bộ ngành, địa phương. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; khắc phục một bước tình trạng thiếu kỷ luật kỷ cương, nói không đi đôi với làm .

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Theo dõi sát, xử lý kịp thời, phù hợp các tình huống phát sinh, nâng cao năng lực của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; tăng cường xây dựng đường tuần tra biên giới.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước. Chủ động ngăn chặn mọi âm mưu chống phá, không để bị động, bất ngờ; xử lý nhiều vụ việc phức tạp, gây rối, tụ tập đông người; trấn áp tội phạm. Thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giảm cả 3 tiêu chí .

Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra những mặt còn hạn chế, yếu kém của Chính phủ. Chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm . Nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn ; cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của DNNN chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Phát triển thị trường khoa học công nghệ còn khó khăn; số doanh nghiệp tham gia còn ít, quy mô nhỏ. Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả. Dịch sốt xuất huyết, chân tay miệng lan rộng, diễn biến phức tạp. Còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người. Đời sống của đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn.

Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng. Việc giám sát, thực thi pháp luật về môi trường còn nhiều hạn chế; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông.

Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trước Quốc hội. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5 - 6,7%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23 - 23,5%; Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.

Trong đó, sẽ tăng cường ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Cơ cấu lại kinh tế đồng bộ, toàn diện, thực chất. Phát triển hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống của người dân. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý tài nguyên.

Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ quyết liệt hành động, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2017 và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo quan trọng về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Tin nổi bật