"Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ....
Vào sáng ngày 4/5, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4/2017.
Theo tin tức báo Tri Thức Trực Tuyến đăng tải, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi giá thịt lợn trên thị trường ở mức cao, siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hết mấy trận dưa hấu, đến thịt lợn, sắp tới là gì?. Ảnh: Báo Tiền Phong |
"Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?", Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.
Theo báo VnExpress, từ đầu năm đến nay, người dân nuôi heo đã phải "khóc ròng" vì giá heo hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng/kg, giảm gần 50% so với bình thường, khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, đó là do nguồn cung lớn hơi cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà...Ngoài ra do khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra.
Mới đây, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về tăng cường biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn. Cơ quan này đề nghị các Sở theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát và chủ động tham mưu với chính quyền địa phương có phương án kịp thời bình ổn giá, khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn cho người nuôi với giá hợp lý. Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú ý...tính toàn và có giải pháp giảm giá bán sản phẩm khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm và kê khai giá với cơ quan Nhà nước.
Tổng hợp