Theo báo VTC, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 6354/VPCP – DMDN gửi các bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xử lý kiến nghị của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bamboo Airways cần nỗ lực tái cơ cấu, vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn mạnh; chủ động báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ.
Tại công văn này, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bamboo Airways và các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo của doanh nghiệp để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Tàu bay của Bamboo Airways. Ảnh: Minh Hoạ
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm liên quan việc duy trì điều kiện hoạt động của hãng bay này để đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động vận tải hàng không dân dụng. Với Bộ Tài chính, Thủ tướng chỉ đạo bộ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải cùng tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan như nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước...
Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải quyết các vướng mắc trong việc thẩm định đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư cho phép tăng quy mô đội tàu bay của Bamboo Airways lên trên 30 chiếc đang bị kéo dài.
Các nội dung này, Bộ Giao thông Vận tải phải báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 15/9/2023.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện; báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 15/9, báo Dân Trí đưa tin.
Trước đó, trong đơn kiến nghị do Bamboo Airways gửi Thủ tướng vào ngày 5/7, hãng bay nêu tình hình tài chính bi đát, khó khăn tới mức "nguy cơ hãng phải phá sản, dừng bay luôn cận kề".
XEM THÊM: Đại diện Ban tổ chức “Lễ hội sắc đẹp Quốc tế Avatar” thóa mạ báo chí
Sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, hãng đã tìm được nhóm nhà đầu tư mới và tiến hành chuyển một lượng cổ phần từ ông Quyết sang cho các ông Doãn Hữu Đoàn, Lê Thái Sâm và bà Nguyễn Ngọc Linh (các nhà đầu tư mới).
Bamboo Airways cho biết là đang gặp một số khó khăn vướng mắc liên quan đến công tác chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan nhà nước liên quan,....).
Hãng cũng nêu ra một số khó khăn khác như việc vẫn phải giới hạn số lượng máy bay khai thác là 30 chiếc, chưa được phê duyệt tăng thêm; khó vay tiền với lãi suất ưu đãi từ các tổ chức tín dụng...
Về hoạt động bay, Bamboo cũng bị các nhà cung cấp dịch vụ mặt đất, nhiên liệu, chủ cho thuê máy bay... gây sức ép, dọa cắt dịch vụ để yêu cầu hãng thanh toán nợ.
Trước những khó khăn nêu trên, Bamboo Airways thừa nhận nhóm nhà đầu tư mới cũng không còn nguồn lực để tiếp tục tái cơ cấu. Hãng đã tính tới việc nộp đơn xin phá sản.
Thục Hiền (T/h)