Thủ tướng Anh Theresa May vừa bất ngờ kêu gọi tổng tuyển cử vào ngày 8/6, sớm hơn so với quy định 3 năm. Động thái này của Thủ tướng liệu có phải là nước cờ thông minh?
Thông minh hay liều lĩnh?
Bên ngoài văn phòng trên số 10 phố Downing, Thủ tướng Anh Theresa May hôm 18/4 đã bất ngờ kêu gọi tổng tuyển cử sớm vào đầu tháng 6 tới. Nữ Thủ tướng khẳng định, dù đây là quyết định miễn cưỡng của bà nhưng đó là yêu cầu quan trọng giúp quá trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) diễn ra thành công.
“Đây là quyết định miễn cưỡng nhưng chúng ta cần có cuộc bầu cử này. Với niềm tin mạnh mẽ, tôi khẳng định đó là điều cần thiết để đảm bảo sự lãnh đạo và ổn định đất nước, để chúng ta vượt qua Brexit và tiến xa hơn thế nữa”, hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh nói.
Đề xuất tiến hành tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Anh Theresa May đã được chấp thuận ngày 19/4. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 19/4, Quốc hội Anh đã thông qua đề xuất của Thủ tướng Theresa May, với tỷ lệ áp đảo 522 phiếu thuận và 13 phiếu chống.
Phát biểu sau khi có kết quả, nữ Thủ tướng Anh nhấn mạnh, bầu cử sớm là vì lợi ích quốc gia.
Sau khi bà May kêu gọi tổng tuyển cử, đồng bảng Anh đã tăng lên 1,3% so với đồng USD. Theo ngân hàng Deutsche, đề xuất của bà May đã tác động tích cực với thị trường tiền tệ và trong những ngày tới, đồng tiền của Anh sẽ còn tiếp tục tăng mạnh.
Nhiều người dân Anh đang tỏ ra băn khoăn vể ý nghĩa của cuộc tổng tuyển cử sớm đối với nước Anh. Hơn nữa, một năm trở lại đây, những lá phiếu của cử tri Anh đã khiến không ít người bất ngờ, điển hình là trường hợp của Brexit. Vì thế, họ cho rằng nữ Thủ tướng có phần hơi liều lĩnh khi đưa ra quyết định trên.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đó là hành động thông minh của nữ Thủ tướng Anh khi quyết định kêu gọi bầu cử sớm.
Sau 9 tháng lãnh đạo nước Anh với cương vị Thủ tướng, bà May đã gặp nhiều khó khăn vì không được sự ủy thác quyền lực của cử tri. Bà lên cầm quyền sau khi cựu Thủ tướng David Cameron từ chức. Vị trí mà bà có hiện tại hoàn toàn nhờ vào sự lựa chọn của những nghị sĩ đảng Bảo thủ, mà không phải từ lá phiếu tín nhiệm của cử tri.
Sau thất bại trong "canh bạc chính trị" khi người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố từ chức từ tháng 6/2016. (Ảnh: Getty Images) |
Chính vì vậy, nữ Thủ tướng có phần yếu thế trong quá trình dẫn dắt nước Anh ra khỏi EU vì cái mác “được ủy quyền quyền lực không qua cử tri”. Với một cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, khi đã “danh chính ngôn thuận”, bà May có thể trút bỏ những tai tiếng trên và củng cố vị thế, quyền lực cũng như sự tự tin khi ngồi trước bàn đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu.
Sứ mệnh lịch sử?
Thêm vào đó, như lời bà May nói, nội bộ Nghị viện Anh đang có tình trạng chia rẽ sâu sắc do những quan điểm khác biệt về Brexit. Điều đó khiến bà May, người dẫn đầu tiến trình đưa nước Anh ra khỏi EU, bị suy yếu về mặt vị thế trong các cuộc đàm phán Brexit.
Đặc biệt, Tòa án tối cao Anh mới trao quyền cho Nghị viện được phép chấp thuận hoặc phủ quyết kết quả của Brexit. Còn 3 năm nữa mới hết nhiệm kỳ của Nghị viện trong khi tiến trình đàm phán với EU chỉ được phép diễn ra trong 2 năm. Bà May không thể hoàn thành sứ mệnh Brexit nếu Nghị viện không thống nhất ủng hộ.
Để đạt được sự đồng nhất đó, những nghị sĩ ủng hộ Brexit phải chiếm đa số ghế trong Nghị viện. Hiện tại, đảng Bảo thủ của bà May chiếm đa số Hạ viện nhưng chỉ hơn 17 ghế so với các đảng đối lập khác.
Kết quả thăm dò của hãng YouGov mới đây cho hay, đảng Bảo thủ của nữ Thủ tướng Anh nhận được tỉ lệ ủng hộ cao hơn 21% so với Công đảng, vốn được coi là một đối thủ truyền thống. Tỉ lệ này đủ để giúp đảng Bảo thủ đạt được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới. Khi đó, Nghị viện Anh sẽ có niềm tin đối với sự lãnh đạo của Thủ tướng May.
Chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ về lý thuyết sẽ giúp bà May tự do hơn trong tiến trình đàm phán, đồng thời bảo vệ những quan điểm của bà về những điều khoản “ly hôn”, ví dụ như số tiền mà Anh phải trả cho EU trước khi rời đi.
Tóm lại, bầu cử sớm là một “nước cờ” cao tay của Thủ tướng Anh. Bước đầu, bà đã gặp khá nhiều thuận lợi khi nhận được sự đồng ý của Quốc hội cũng như các đảng đối lập, đặc biệt là Công đảng. Tuy nhiên, 'canh bạc chính trị' này của bà May sẽ mang lại hiệu quả thế nào cho bản thân bà và nước Anh thì vẫn còn phải chờ hồi sau mới rõ.
Theo lộ trình đã định, ngày 29/4 tới, Anh và EU sẽ thống nhất kế hoạch về đàm phán Brexit và Hội đồng Anh sẽ chính thức công bố vào ngày 22/5 để bắt đầu quá trình đàm phán. Trong khi đó, ngày đề xuất tổng tuyển cử của bà May là 8/6.
Danh Tuyên