Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp mất hàng chục tỷ đồng

(DS&PL) -

Theo Bộ KH&ĐT, chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn gây ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN.

Theo Bộ KH&ĐT, chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn gây ảnh hưởng nặng nề tới hiệu quả hoạt động kinh doanh của DN, đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “cắt giảm chi phí cho DN”.

Bộ KH&ĐT vừa công bố số liệu về chi phí kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp (DN) với con số giật mình. Theo đó, chi phí kiểm tra chuyên ngành được đánh giá là gánh nặng hàng đầu với DN.

Tiêu biểu như phí kiểm tra hiệu suất năng lượng, phí kiểm dịch thú y và phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu ngày càng tăng. Nhiều DN “than trời” bởi có quá nhiều thủ tục kiểm tra trong cùng một sản phẩm. Dù đã mất chi phí chính thức lớn nhưng để nhận được tờ kết quả, DN phải chi “tiền lót tay”.

Theo Bộ KH&ĐT, thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước, nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Để chứng minh điều này, Bộ KH&ĐT dẫn ví dụ thủ tục nhập khẩu lô hàng điện lạnh, doanh nghiệp chỉ duy nhất phải làm thủ tục kiểm tra hiệu suất năng lượng (phí 16 triệu đồng/sản phẩm). Tuy nhiên, thủ tục kiểm tra tương thích điện từ có phí 16-20 triệu đồng/mẫu sản phẩm và phí không chính thức 4 triệu đồng/tờ kết quả. Thủ tục kiểm tra hợp quy và dán tem CR có phí 6 triệu đồng/mẫu sản phẩm và cộng thêm phí không chính thức 2 -3 triệu đồng/tờ kết quả. Đặc biệt, với thủ tục xin mã công bố của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) để được dán nhãn năng lượng thực hiện theo lô, DN phải trả phí chính thức 500.000 đồng/hồ sơ và “cõng” thêm chi phí không chính thức gấp 4 lần (lên đến 2 triệu đồng/hồ sơ).

Như vậy, tổng cộng các chi phí để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh khoảng 70 triệu đồng (không bao gồm giá trị mẫu bị phá huỷ). DN tính toán nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ gồm vài chiếc thì DN không có lãi, thậm chí lỗ. Hay lô hàng gồm 6 máy xay thịt, để thực hiện thủ tục công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Bộ Y tế, DN phải thử nghiệm sản phẩm tại đơn vị được Bộ Y tế chỉ định với mức phí 22,9 triệu đồng.

Tổng phí kiểm tra chuyên ngành đối với 1 lô hàng 28.500 tấn khô dầu đậu tương, nhập khẩu qua cảng Cái Lân (Quảng Ninh) của 29 DN lên tới khoảng 157 triệu đồng, trong đó, phí kiểm tra chất lượng khoảng 123 triệu đồng, phí kiểm dịch thực vật khoảng 34 triệu đồng.

Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Tổng cục Thuỷ sản khoảng 40 – 50 triệu đồng cho lô hàng 60 – 70 tấn. Phí kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi tại Cục Chăn nuôi là 500 nghìn đồng – 700 nghìn đồng/sản phẩm. Một lô hàng nhập khẩu thường gồm nhiều sản phẩm nên chi phí lên tới hàng chục triệu đồng/ lô hàng.

Ngoài ra, cùng một lô hàng (hàng rời hoặc lỏng, đồng nhất, cùng xuất xứ, cùng người bán), chở trên cùng một chuyến tàu của nhiều DN nhập khẩu, nhưng từng nhà nhập khẩu phải làm đầy đủ các bước thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Theo đánh giá, cách làm này rườm rà, bất hợp lý và không cần thiết.

Vũ Đậu (T/h) 

Tin nổi bật