Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Không gây áp lực, không áp đặt tư duy trong giáo dục STEM

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các Sở GD&ĐT trong quá trình chỉ đạo, tổ chức giáo dục STEM không gây áp lực, tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Ngày 21/3, tại tỉnh Bắc Giang, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.

Số lượng các trường triển khai bài dạy STEM tăng

Thông tin tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay, giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh đã được triển khai thực hiện từ năm 2006 ở một số địa phương.

Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán thực hiện giáo dục STEM. Việc này đã giúp cán bộ quản lý, giáo viên cấp trung học nắm bắt nội dung, phương pháp, hình thức triển khai hoạt động giáo dục STEM có hiệu quả.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục nêu nhận định: Giáo dục STEM trong các trường trung học đã mang lại những kết quả quan trọng, đã góp phần đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Đồng thời, phát huy tính tích cực, sáng tạo và tự chủ của học sinh góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. 

Theo thống kê tại Hội nghị năm 2021, 2022 và 2023 của Bộ GD&ĐT, số lượng các trường triển khai bài dạy STEM tăng song hành với việc đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.

Chỉ tính riêng năm học 2022-2023 có hơn 75.000 lượt bài dạy STEM đã được triển khai tại các cơ sở giáo dục trung học trên cả nước.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng trong quá trình triển khai, theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành việc xây dựng và thực hiện bài học STEM còn bộc lộ một số hạn chế như học sinh tham gia phần nhiều ở phần thực nghiệm, việc thiết kế, xây dựng phương án thí nghiệm để giải quyết vấn đề phát hiện còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chưa có nhiều cơ hội để học sinh được áp dụng kiến thức đã học từ chương trình môn học giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Đồng thời, phần lớn các bài học là STEM kỹ thuật, chế tạo dụng cụ, học sinh thực hiện theo quy trình đã định trước, bài học STEM khoa học còn ít được triển khai.

Không gây áp lực, không áp đặt tư duy trong giáo dục STEM

Nêu kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Sở GD&ĐT, giáo viên, chuyên gia trong quá trình triển khai hoạt động giáo dục STEM tại các nhà trường.

Dù được triển khai với các mô hình khác nhau nhưng các Sở, các nhà trường đã tập trung chú trọng, làm rõ các ưu điểm, hạn chế quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, để có những kết quả đáng ghi nhận tại thời điểm này có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường. Vì vậy, đối với những cá nhân, tập thể có những đóng góp, sáng tạo, tích cực thì cần được đánh giá, ghi danh, tạo nên sự khích lệ, động viên trong đội ngũ.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kết luận Hội thảo. 

Thứ trưởng cho rằng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào đời sống trở thành xu thế tất yếu. Điều này rất rõ trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Do đó, đẩy mạnh hoạt động giáo dục STEM trong các trường phổ thông chính là nền tảng để tạo nên nguồn nhân lực cao cho đất nước trong tương lai.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Thứ trưởng nhận định vấn đề nhận thức về STEM trong giáo dục và xã hội chưa được đầy đủ, quan tâm chưa được đúng mức. Bên cạnh đó công tác truyền thông về hoạt động này cũng chưa thực sự tốt nên xã hội chưa hiểu hết nội dung.

Từ thực tế đó, Thứ trưởng đề nghị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội hiểu về STEM.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến tại hội thảo, nghiên cứu xây dựng các modul tập huấn cho giáo viên cốt cán về triển khai giáo dục STEM trong các nhà trường. Tiếp tục giám sát và tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT về chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, đơn vị chuyên môn cần nghiên cứu để có tổng kết đánh giá về giáo dục STEM một cách bài bản hơn.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý các Sở GD&ĐT, các nhà trường nên chủ động xây dựng các hình thức triển khai hoạt động STEM đa dạng, phong phú.

Đặc biệt, trong quá trình chỉ đạo, tổ chức không gây áp lực, tốn kém đối với nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Đồng thời, cần đẩy mạnh việc huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiêp cùng tham gia vào hoạt động giáo dục STEM.

Thủy Tiên

Tin nổi bật