Dù rất nỗ lực nhưng kết quả quản lý thuế bán hàng qua mạng ở nước ta tới thời điểm hiện tại xem ra vẫn chưa tới đâu. Tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng tại Việt Nam đang được ví là tra soát tới đâu phát hiện tới đó.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp, tổng cục Thuế hồi tháng 6/2017 đã có văn bản số 2623 gửi Cục trưởng cục Thuế các tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu ngân sách Nhà nước đối với loại hình hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Số liệu do tổng cục Thuế cung cấp cho hay riêng trên địa bàn Đà Nẵng đã có tới 8.848 trang web kinh doanh thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo đại diện phòng Tổng hợp – Dự toán thuộc cục Thuế Đà Nẵng, ông Phạm Đình Sáu thì có đến hơn 1.800 trang được xác định kinh doanh không có địa chỉ rõ ràng, không liên lạc được. Số trang thực tế không kinh doanh cũng chiếm con số khá lớn: hơn 1.300. Trong khi, số lượng người nộp thuế đã kê khai chỉ là 611.
Quản lý thuế bán hàng qua mạng ở nước ta tới thời điểm hiện tại xem ra còn gặp nhiều khó khăn. |
Số lượng người nộp thuế phát sinh mới qua rà soát chiếm một con số không thể khiêm tốn hơn là 21. Số lượng người nộp thuế đã không chấp hành kê khai nộp thuế là 94 . Đây thực sự là những con số biết nói với thực tế diễn biến sôi nổi của hoạt động mua bán qua mạng hiện nay.
Dù Đà Nẵng đã rất nỗ lực nhưng kết quả quản lý thuế bán hàng qua mạng tới thời điểm hiện tại xem ra vẫn chưa tới đâu. Đại diện cục Thuế nói:“Chưa thể đưa ra đánh giá nào cho công tác này vì vẫn đang triển khai”. Vị này nói ngắn gọn: “Việc này khó”. Một trong những lý do được đề cập là trình độ công nghệ, chuyên môn để thực hiện.
Liên quan điều này, luật sư Lê Cao – công ty Luật hợp danh FDVN thuộc đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng nhận định: “Chúng ta chưa có đủ công cụ hữu hiệu để kiểm soát và thu thuế các chủ thể kinh doanh TMĐT, ví dụ qua facebook”. Theo ông, chính sách pháp luật Việt Nam chưa dự liệu được các trường hợp này và hình thức giao dịch truyền thống bằng tiền mặt là những vấn đề gây trở ngại.
“Muốn kiểm soát thu thuế online, phải đưa người kinh doanh vào các khuôn khổ pháp lý cụ thể; đồng thời thị trường và thói quen thanh toán phải dần hiện đại mới theo kịp các hình thức kinh doanh tiên tiến”, luật sư Cao nêu ý kiến.
Giải pháp mới nhất được cục Thuế áp dụng (văn bản ngày 4/8) là chỉ đạo các chi cục “khẩn trương có văn bản đề nghị các ngân hàng trên địa bàn hợp tác trong việc kiểm tra dòng tiền từ Facebook, Google, YouTube…được chuyển về Việt Nam nhưng không ít người chưa kê khai thuế”.
Đơn vị này cũng đưa ra kế hoạch “có văn bản đề nghị công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông..trên địa bàn hợp tác trong việc kiểm tra dòng tiền”.
Bàn luận về vấn đề này, báo Lao Động cho hay, tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh qua mạng tại Việt Nam đang được ví là tra soát tới đâu phát hiện tới đó. Đơn cử mới nhất, cục Thuế TP.HCM mới chỉ rà soát tại 4 ngân hàng đã cho thấy có hơn 500 tỉ đồng được các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook, Google, YouTube… chuyển cho hàng nghìn cá nhân tại Việt Nam.
PGS.TS Lê Thị Thanh - nguyên Phó Trưởng khoa công, học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam hiện đang thất thu thuế ở các hoạt động bán hàng qua mạng vì chủ yếu là các giao dịch cá nhân, bằng tiền mặt và để giải quyết vấn đề này cơ quan chức năng phải quản lý được các giao dịch trên mạng nhưng không dễ để “đưa ra các quy định để thu được như vậy”. Theo chuyên gia này, việc quản lý các hoạt động thương mại điện tử chưa tốt nên đang thất thu rất nhiều và để khắc phục cần tăng cường quản lý, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt, thúc đẩy hệ thống thanh toán thẻ, thanh toán trực tuyến phát triển đồng thời phải an toàn để người dân tin tưởng.