Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu phí du khách khi đến đảo Lý Sơn: Lý giải của “người trong cuộc” và những câu hỏi bỏ ngỏ

(DS&PL) -

Thời gian gần đây, người dân băn khoăn về việc cơ quan chức năng chấp thuận thông qua việc thu phí du khách đến Lý Sơn du lịch.

Lý Sơn là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân băn khoăn về việc cơ quan chức năng chấp thuận thông qua việc thu phí du khách đến đây thăm viếng. Câu hỏi đặt ra là, việc thu phí có hợp lý không? Lãnh đạo địa phương này nói gì về việc này?

Ai bị thu, ai được miễn, giảm phí?

Trong kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XII, nhiệm kỳ 2016- 2021, các đại biểu đã thống nhất thông qua tờ trình quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Theo đó, mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh ở đảo Lớn, xã An Hải và xã An Vĩnh là 70 nghìn đồng mỗi người một lượt, tại đảo bé, xã An Bình là 30 nghìn đồng mỗi người một lượt. Mức thu phí này áp dụng đối với người Việt Nam lẫn người nước ngoài. Đối tượng được miễn thu phí là trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đi công tác và người dân huyện Lý Sơn. Đối với trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi, các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi được giảm 50% mức phí. Riêng học sinh sinh viên của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT, dạy nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến đây tham quan có đăng ký với UBND huyện Lý Sơn thì được giảm 70% mức phí.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, trên địa bàn huyện có 24 di tích được xếp hạng, trong đó có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 19 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo. Sự đa dạng về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể và thắng cảnh thiên nhiên tạo cho Lý Sơn một lợi thế trong khai thác và triển khai, phát triển du lịch. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam trên địa bàn huyện Lý Sơn nhằm huy động đóng góp của khách đến đảo Lý Sơn nhằm chi cho bảo tồn, gìn giữ, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích, công trình bảo tàng, văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ và các nhu cầu khác để phục vụ khách và nhân dân đảo Lý Sơn.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, khi nhận được tờ trình cũng như thông qua quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn huyện Lý Sơn, ông nghĩ, chắc chắn, sẽ có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ông mong dư luận thấu hiểu các vấn đề trong việc thu phí này. Lý Sơn có tính chất đặc thù, không giống những nơi khác, cần có sự quan tâm, chung tay bảo vệ, đặc biệt là bảo vệ môi trường của đảo. Các cá nhân khi đến đảo phải có đóng góp một phần kinh tế để bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan.

Việc ban hành thu phí sẽ giúp Lý Sơn làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích, danh thắng. Đồng thời, mức phí thu cho mỗi cá nhân cũng được phía cơ quan chức năng bàn luận kĩ lưỡng. Trong tờ trình của UBND huyện Lý Sơn trình lên HĐND tỉnh Quảng Nam, đề nghị thu phí 100.000 đồng khi đến đảo Lớn và 50.000 đồng khi đến đảo Bé. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, mức phí này là cao nên sau cùng, các đại biểu đồng thuận giảm xuống lần lượt là 70.000 đồng và 30.000 đồng.

Du khách tham quan thắng cảnh cổng Tò Vò tại Lý Sơn - Ảnh: Báo Du lịch

Thu phí có hợp lý hay không?

Anh Cao Nguyên, hướng dẫn viên cho hay, từng đưa rất nhiều đoàn khách đến Lý Sơn. Khi dẫn khách đến các địa điểm du lịch khác, việc thu phí là điều bình thường. Ở Lý Sơn, có rất nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nên việc thu phí cũng là điều nên làm. Tuy nhiên, chắc chắn rằng, việc này lúc đầu sẽ bị phản ứng. Điều quan trọng là nguồn phí này được sử dụng như thế nào.

“Tôi tin rằng, thu phí nhưng sử dụng nguồn tiền thu phù hợp thì sẽ được người dân đồng thuận. Chẳng hạn, tại Lý Sơn về cơ sở vật chất hạ tầng hiện tại còn quá sơ sài. Phía cơ quan chức năng cần đầu tư làm các điểm chòi nghỉ, dừng chân tạm dọc các tuyến đường, đặt nước uống miễn phí... cho du khách trong quá trình tham quan. Hay, các bãi tắm chưa có cứu hộ, chưa có hướng dẫn đến các điểm tham quan, cảnh quan, nơi để xe, bản đồ du lịch... cũng cần được quan tâm”.

PGS.TS Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng đại học sư phạm Đà Nẵng, Trưởng nhóm nghiên cứu môi trường và tài nguyên sinh vật đồng thuận với việc đóng phí khi ra Lý Sơn. Điều này tăng trách nhiệm của cộng đồng đến với các bên liên quan. Và, ông cũng nhận thấy, khách tham quan khi đến Lý Sơn tăng quá nhanh, các di sản, di tích phải phục vụ nhiều hơn. Do đó, cần thu phí, lấy nguồn phí này để bảo tồn các địa điểm này trước khi quá muộn.

Qua khảo sát, không ít đại diện công ty lữ hành không đồng tình với việc thu phí khi du khách đến Lý Sơn. Bởi, hạ tầng phục vụ du lịch ở Lý Sơn rất hạn chế như rác thải đã gây khó chịu cho du khách. Còn tình trạng nhếch nhác như thế mà thu tiền của du khách là rất vô lý. Việc thu tiền của du khách khi đến đảo là điều nên làm, nhưng không phải bây giờ. Thay vào đó, khi Lý Sơn đã được xây dựng hệ thống cung ứng du lịch tốt hơn, ngoài những điểm du lịch có sẵn thì hãy thu phí.

Luật sư Phạm Ngọc Hải, công ty Ami Law Firm, cho rằng, việc thu phí tham quan đối với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa và bảo tàng... là hoàn toàn có căn cứ theo luật định. Theo đó, đối với các công trình địa phương quản lý thì HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định về việc thu phí tham quan. Việc thu phí để bảo đảm bù đắp chi phí, bảo đảm cơ sở hạ tầng, tôn tạo và bảo dưỡng các công trình này. Ở Quảng Ngãi, việc thông qua việc thu phí tham quan đảo Lý Sơn là quy định mới, tuy nhiên đối với các địa phương khác việc thu phí tham quan đối với các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa và bảo tàng... đã được quy định từ lâu. Phí thu được dùng để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP như chi tiền công, tiền lương, văn phòng phẩm, vật tư, liên lạc, chi sửa chữa thường xuyên, trích khấu hao tài sản cố định... có liên quan nhằm bảo đảm duy trì, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử...; phần còn lại (nếu có) sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Có thể thấy rằng việc thu phí tham quan đối với các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh không phải là quy định mới. Việc HĐND tỉnh Quảng Ngãi có Nghị quyết về việc thu phí tham quan đảo Lý Sơn là cần thiết và đúng quy định pháp luật. Việc thu phí này sẽ đảm bảo nguồn lực để duy trì, bảo dưỡng, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh, công trình. Mặt khác, nguồn phí này sẽ góp phần phát triển hơn nữa cho hoạt động du lịch ở đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi nói riêng và ngành du lịch của Việt Nam nói chung.

Ông Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, những năm qua, huyện Lý Sơn phát triển nhiều về du lịch, dịch vụ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng điện, đường, trạm y tế, đình làng, các di tích lịch sử... đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt, hệ thống cung cấp nước sạch còn yếu cần phải nâng cấp, cải tạo nhằm phục vụ tốt cho người dân lẫn du khách. Trong khi đó, nguồn nhân lực tài chính của địa phương và của tỉnh chưa đủ để thực hiện điều này nên việc thu phí tại Lý Sơn là biện pháp nhằm huy động sự đóng góp của xã hội vào việc bảo tồn, giữ gìn, tôn tạo danh lam thắng cảnh, di tích, công trình bảo tàng, văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái của Lý Sơn...

Nhiều người dân tại đảo Lý Sơn vẫn còn băn khoăn về đối tượng miễn, giảm khi đến đảo. Chẳng hạn, người thân ra đảo ăn đám cưới, đám tang, thăm người thân, người buôn bán qua lại giữa đảo và đất liền thường xuyên, công nhân ra đảo làm ở những công trình... hiện không được miễn giảm. Tuy nhiên, những trường hợp này, ra Lý Sơn không để tham quan thì tiền vé “du lịch” liệu rằng có phù hợp?

Huy Cường

Bài đăng trên ấn phẩm báo giấy Đời sống & Pháp luật số 113

Tin nổi bật