Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thu nhập tiền triệu mỗi ngày nhờ đi bộ xuyên rừng hái ngũ vị tử

  • Vân Anh
(DS&PL) -

Quả ngũ vị tử được xem như “lộc rừng” ban tặng cho người dân huyện Tu Mơ Rông. Mỗi gia đình có thể thu về từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi ngày nhờ đi hái ngũ vị tử.

Cứ vào tháng 9 hàng năm, người dân xã  Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) lại rủ tập trung nhóm khoảng 5 – 7 người đi bộ xuyên rừng hái quả ngũ vị tử. Ngũ vị tử là quả chín của cây ngũ vị, mọc thành từng chùm, chín rộ khoảng tháng 9 hàng năm. 

Quả ngũ vị tử.

Báo Dân trí dẫn lời chị Y Diên (xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, đầu tháng 9, gia đình chị thường cùng bà con trong làng vào rừng để tìm quả ngũ vị tử. Ngày xưa, quả nhiều nên mỗi chuyến đi hái quả được cả gùi lớn. Sau này, người dân phải đi sâu trong rừng để tìm kiếm.

“Nếu gặp những cây lớn, tôi có thể thu về cả 1 tạ. Thương lái đang thu mua với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình có thể thu về từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi ngày. Hái quả ngũ vị tử không quá khó khăn, chỉ khi gặp những cây cao, tôi mới phải leo trèo", chị Diên nói.

Vào những ngày nghỉ, anh A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na, cùng bà con lên rừng tìm quả ngũ vị tử, để kiếm thêm thu nhập và làm các loại nước uống, dược liệu cho gia đình sử dụng. 

Anh Dũng bộc bạch: "Tôi là người bản địa nên hiểu rõ công dụng của quả ngũ vị tử. Thời gian rảnh, tôi thường cùng bà con lên rừng hái quả, mỗi ngày hái được 25kg”.

Mỗi ngày, người dân có thể thu cả triệu đồng từ việc hái quả ngũ vị tử trong rừng. Ảnh: Dân trí

Anh Dũng vừa cùng người dân đi hái quả, vừa hướng dẫn bà con cách thu hái gắn với công tác quản lý, bảo vệ cây ngũ vị tử và bảo vệ rừng; phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cho cây ngũ vị tử. Qua đó, giúp cho bà con thêm nguồn thu từ nguồn lâm sản phụ này.

Mỗi ngày, chị Y Gia Nhi (chủ tiệm Dược liệu Y Gia Nhi, xã Đăk Na) thu mua vài tạ quả ngũ vị tử. Sau đó, chị sẽ bán lại cho các cơ sở, hợp tác xã chế biến gia vị, thuốc từ loại quả này.

Chị cũng để dành một phần dùng chế biến thành đồ uống để phục vụ cho người dân và khách du lịch.

Sở dĩ ngũ vị tử có tên gọi như vậy là vì loại quả này có 5 vị: mặn, ngọt, chua, cay và đắng. Thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống, theo Đông y, ngũ vị tử vị chua, tính ôn; vào kinh phế và thận; có công dụng an thần, liễm phế, bổ thận, cố sáp, ích khí, sinh tân. Chủ trị các trường hợp viêm khí phế quản mạn tính gây hen suyễn, sau sốt nhiễm khuẩn, mất nước, khát nước, hồi hộp đánh trống ngực tim đập nhanh, mất ngủ, ngủ hay mê, giảm trí nhớ.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại: Ngũ vị tử là vị thuốc kháng khuẩn, bảo vệ gan, giải độc cơ thể. Các nghiên cứu dược lý trong phòng thí nghiệm cho thấy ngũ vị tử có tác dụng thúc đẩy tăng tiết dịch mật ở bệnh nhân viêm gan. Tác dụng trấn tĩnh trung khu thần kinh, chống co giật, giảm ho.

Thuốc ngũ vị tử, có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, giảm mệt mỏi, cải thiện hoạt động trí óc, tác dụng trợ tim, điều hòa tuần hoàn máu. Nước hãm (trà) ngũ vị tử có tác dụng hạ huyết áp, tăng cường miễn dịch, kháng khuẩn, kháng virut, ức chế sự hợp thành của tế bào ung thư.

Ngũ vị từ góp mặt trong một số bài thuốc chữa viêm gan mạn tính, hỗ trợ điều trị suy tim, hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não và trị chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên.

Vân Anh (T/h)

Tin nổi bật