Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị truy tố Trịnh Văn Quyết, cựu chủ tịch FLC, cùng 50 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC.
Chuyển vào tài khoản vợ ông Trịnh Văn Quyết 35,9 tỷ đồng
Báo Người lao động đưa tin, trong Kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết Viện Kiểm sát Nhân dân Tối đã cao yêu cầu làm rõ nội dung việc sử dụng toàn bộ số tiền thu lời bất chính, chiếm đoạt từ các hành vi phạm tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo của Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm. Cùng với đó, xác minh, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đối với các bị can để đảm bảo thi hành án.
Theo đó, kết quả điều tra bổ sung cho thấy cựu chủ tịch FLC đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế (bị can trong vụ án) cùng đồng phạm mượn danh nghĩa nhiều người lập công ty, mở tài khoản chứng khoán và tài khoản ngân hàng.
Sau đó, bị can Trịnh Thị Minh Huế sử dụng các công ty, tài khoản này để thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với 5 mã cổ phiếu: AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính 723 tỷ đồng. Số tiền thu lời bất chính này được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Cụ thể, bị can Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã chi hơn 122 tỷ đồng mua cổ phần của 3 công ty thuộc hệ sinh thái FLC gồm: hơn 83 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty CP Hàng không Tre Việt; hơn 29 tỷ đồng vào Công ty Newland Holdings để mua cổ phần Công ty CP FLC Travel và hơn 9 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty CP Nông dược HAI.
Ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: An ninh Thủ đô
Ngoài ra, chuyển cho bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ Quyết) là 35,9 tỷ đồng và Trịnh Thị Minh Huế hơn 771 triệu đồng. Hơn 73 tỷ đồng được chuyển vào tài khoản của Tống Xuân Vương để trả nợ cho Trịnh Văn Quyết. Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng dùng hơn 7,7 tỷ đồng để thanh toán tiền sửa chữa căn biệt thự BT30, khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đứng tên bị can này và vợ là Lê Thị Ngọc Diệp.
Hơn 482 tỷ đồng còn lại tiếp tục được nhóm bị can Trịnh Văn Quyết lưu giữ trong các tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để thực hiện hành vi mua, bán chứng khoán. Trong đó, riêng tài khoản chứng khoán của Trịnh Văn Quyết là hơn 38 tỷ đồng.
Số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 3.620 tỷ đồng được chi vào việc gì?
Với số tiền chiếm đoạt từ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đến nay, C01 có căn cứ xác định tiền bán cổ phiếu ROS sau khi rút ra khỏi tài khoản ngân hàng, nhóm ông Quyết nộp hơn 181 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty CP Tập đoàn FLC và 5 công ty con, công ty liên kết với Tập đoàn FLC; nộp 436,4 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của các cá nhân để thanh toán, trả nợ vay (gồm: Tống Xuân Vương 196,57 tỷ, Nguyễn Thị Xuân Hoa 195 tỷ; Lê Thị Ngọc Diệp 19,8 tỷ; Trịnh văn Quyết 5 tỷ; Nguyễn Băng Thương 7,75 tỷ; Hương Trần Kiểu Dung 3 tỷ; Đặng Quý Thiết 800 triệu; Ngô Thế Bằng 600 triệu; Lê Thu Hiền 250 triệu...), báo Tiền Phong đưa tin.
Một khoản khác hơn 380 tỷ đồng được nộp vào tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán của các cá nhân, pháp nhân do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng để tiếp tục mua bán chứng khoán; 44,8 tỷ đồng được rút ra ngoài để phục vụ việc chi tiêu cá nhân.
Số tiền còn lại hơn 2.578 đồng được rút tiền mặt cùng với tiền thu được từ bán cổ phiếu ROS cho nhóm tài khoản chứng khoán do Trịnh Thị Minh Huế quản lý, sử dụng và tiền bán chứng khoán khác (các mã FLC, GAB, HAI, ART, AMD). Đồng thời, nộp vào Công ty CP Tập đoàn FLC và các công ty con, công ty liên kết đưa vào hoạt động kinh doanh; một nộp vào ngân hàng dùng cho thanh toán cá nhân khác….
Hoàng Yên (T/h)