Công ty CP Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định có vi phạm xảy ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). 11 cá nhân từng là cán bộ, lãnh đạo của HoSE đã bị điều tra, trong đó 5 người bị khởi tố, đề nghị truy tố, 6 người còn lại không bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Một trong 6 người có ông Trần Văn Dũng (SN 1965, cựu Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, kiêm Chủ tịch Hội đồng niêm yết).
Năm 2017, ông Trần Văn Dũng được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đến năm 2022, ông Dũng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBCKNN do đã có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác.
Theo thông tin từ kết luận điều tra bổ sung, thời điểm xảy ra vụ thao túng thị trường chứng khoán ở FLC, ông Dũng đang giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, kiêm Chủ tịch Hội đồng niêm yết. Theo đó, ông Dũng có trách nhiệm quyết định thành lập Hội đồng niêm yết, căn cứ ý kiến thành viên trong Hội đồng niêm yết để ra quyết định về việc chấp thuận hay không chấp thuận hồ sơ đăng ký niêm yết, hồ sơ thay đổi đăng ký niêm yết, hủy niêm yết theo quy chế hoạt động của Hội đồng niêm yết...
Ông Trần Văn Dũng.
Khi nhận được hồ sơ đề nghị niêm yết cổ phiếu của Công ty CP Xây dựng Faros, ông Dũng đã phân công các thành viên Hội đồng niêm yết nghiên cứu thẩm định hồ sơ. Quá trình thẩm định, ông Dũng được các thành viên Hội đồng niêm yết báo cáo về việc báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014, năm 2015 của Faros không phù hợp do phạm vi lưu ý quá lớn, việc “Công ty TNHH Kiểm toán và kế toán Hà Nội đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần là không có cơ sở...” và “chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp” theo văn bản số 4298/UBCK-GSĐC ngày 1/7/2016 của UBCKNN. Ông Dũng đã chỉ đạo các thành viên Hội đồng niêm yết yêu cầu Công ty Faros phải giải trình, cung cấp bổ sung hồ sơ, tài liệu để thẩm định.
Khi đó, ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) yêu cầu phải báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ niêm yết của Công ty Faros để HĐQT quyết định. Thực hiện chỉ đạo của ông Sinh, ngày 22/8/2016 ông Trần Văn Dũng đã tổ chức cuộc họp Hội đồng niêm yết.
Tại cuộc họp, căn cứ Báo cáo của Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết, các Thành viên Hội đồng niêm yết đã thống nhất: Đồng ý với các nội dung giải trình của Công ty CP xây dựng Faros, nhất trí hồ sơ và điều kiện niêm yết của Công ty CP Xây dựng Faros; nhất trí hồ sơ và điều kiện niêm yết của Công ty Faros và thống nhất báo cáo HĐQT về hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty Faros.
Từ đó, ông Trần Văn Dũng đã cùng các thành viên HĐQT đồng ý chấp thuận niêm yết đối với cổ phiếu của Công ty Faros để ông Sinh ký, ban hành Nghị quyết HĐQT chấp thuận niêm yết. Ông Dũng sau đó đã ký ban hành quyết định chấp thuận niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.
"Tại cơ quan điều tra, Trần Văn Dũng khai nhận toàn bộ nội dung, diễn biến hành vi vi phạm của mình; nguyên nhân là do tin tưởng vào chuyên môn cấp dưới, ý kiến chấp thuận của các thành viên Hội đồng niêm yết, thực hiện theo nghị quyết của HĐQT", kết luận điều tra nêu và cho biết ông Dũng khai không được hưởng lợi gì từ hành vi trên.
Theo Bộ Công an, hành vi của ông Dũng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định hành vi của ông Dũng là thực hiện theo ý kiến chấp thuận của các thành viên Hội đồng niêm yết và Nghị quyết của HĐQT, được quy định trong quy chế hoạt động của Hội đồng niêm yết và HĐQT.
XEM THÊM: Bất ngờ tài xế riêng của ông Trịnh Văn Quyết sở hữu cổ phiếu trị giá 230 tỷ
Vì vậy, cơ quan điều tra không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự mà kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm về hành chính.
Khánh Ngân