(ĐSPL) - Ông Trương Anh Kiệt, nguyên Giám đốc bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM đã chỉ đạo cho hai cấp dưới khai khống hồ sơ bệnh án, tăng tổng số ngày điều dưỡng, điều trị nội trú lên để chiếm đoạt số tiền hỗ trợ 23,1 tỉ đồng của tập đoàn.
Khai khống chứng từ chiếm đoạt tiền tỉ
Theo tin tức mới nhất từ cơ quan CSĐT bộ Công an cho biết, cơ quan này đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, đồng thời khám xét nơi làm việc, nhà riêng đối với Trương Anh Kiệt (Giám đốc bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM) và hai đồng phạm cấp dưới là ông Phạm Văn Sửu (Trưởng phòng Kế toán) và bà Trương Thị Bích Nguyệt (Trưởng phòng Kế hoạch) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Các bị can đã có hành vi khai khống sổ sách, chứng từ nhằm chiếm đoạt số tiền 23,1 tỉ đồng từ tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, trong giai đoạn 2009-2011, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam có chủ trương hỗ trợ kinh phí khám, điều trị bệnh cho cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, ông Kiệt đã lợi dụng chủ trương này, chỉ đạo cho hai cấp dưới là Sửu và Nguyệt thực hiện việc khai khống hồ sơ bệnh án, tăng tổng số ngày điều dưỡng, điều trị nội trú lên tại cơ sở 2 của bệnh viện ở quận 2 (TP.HCM) để chiếm đoạt số tiền lớn được hỗ trợ từ tập đoàn.
Một bác sỹ công tác tại bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM xin được giấu tên cho hay: “Từ đầu tháng 6/2009, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã quyết định thành lập bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP. HCM trên cơ sở tổ chức lại bệnh viện Bưu điện 2 và bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng Bưu điện 2. Kể từ đó, mảng y tế khu vực phía Nam của ngành được quy về một mối, tập trung nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên chức ngành bưu điện và nhân dân”.
“Ông Trương Anh Kiệt được bổ nhiệm làm Giám đốc ngay từ những ngày đầu bệnh viện mới thành lập. Tiếp xúc với ông Kiệt nhiều năm, tôi cũng khá bất ngờ khi ông bị khởi tố. Bình thường, ông Kiệt là một người khá từ tốn, nhã nhặn. ông ấy rất ít khi nổi nóng hay quát mắng nhân viên cấp dưới. Tuy nhiên, ông ấy là người khá coi trọng thành tích, danh tiếng nên đôi khi cũng gây áp lực cho cán bộ, nhân viên bệnh viện”, vị bác sỹ này cho biết thêm.
|
Ông Trương Anh Kiệt lúc còn đương chức. |
Có đơn vị 250 người nhập viện... một ngày?!
Theo tìm hiểu của PV, từ những ngày mới thành lập, bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM đã nhận được chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho cán bộ công nhân viên chức trong ngành đến điều trị tại bệnh viện từ tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Lợi dụng chủ trương này, ông Kiệt đã nhanh chóng móc nối với trưởng phòng kế toán và trưởng phòng kế hoạch của bệnh viện khai khống sổ sách nhằm bỏ túi riêng ngân sách của bệnh viện.
Tuy nhiên, mặc dù phương thức hoạt động khá kín kẽ và cẩn mật nhưng hành vi của ông Kiệt cùng hai đồng phạm là ông Sửu và bà Nguyệt đã gây sự chú ý của cơ quan chức năng. Theo đó, từ đầu tháng 9/2013, thông tin về hiện tượng “nhiều đơn vị thành viên của ngành bưu điện bỗng dưng bệnh hàng loạt và nằm điều trị dài ngày một cách khó hiểu” tại bệnh viện Đa khoa Bưu điện TP.HCM nhanh chóng rò rỉ và gây nghi vấn trong dư luận.
Cụ thể, trong hồ sơ của bệnh viện có ghi lại, đầu tháng 3/2013, có đến 50 nhân viên của ngành bưu chính, viễn thông tỉnh B.D nhập viện trong cùng một ngày. Tiếp đến, khoảng tháng 5/2013, lại có hơn 20 nhân viên bưu điện tỉnh B.T đồng loạt nhập viện, xuất viện. Không chỉ vậy, “khủng” nhất có ngày con số bệnh nhân trong ngành của cùng một đơn vị phải nhập viện lên đến 250 người. Trên thực tế, số giường thực kê của một số khoa trong bệnh viện chỉ tầm vài giường hoặc thậm chí không có giường nào. Trong khi đó, con số bệnh nhân nằm điều trị nội trú luôn ở mức vài chục người mỗi ngày.
Cơ quan điều tra xác định, ông Kiệt cùng đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền lên tới 23,1 tỉ đồng!
Xác minh những đối tượng tình nghi liên quan Một nguồn tin từ cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết, cơ quan này đang tiến hành điều tra, xác minh thêm những đối tượng tình nghi liên quan; đồng thời hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm đưa vụ án ra xét xử công khai trước pháp luật. |