Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thông tin bất ngờ về Tuấn "Phò mã" vừa bị bắt về tội đánh bạc

  • Hoàng Yên
(DS&PL) -

Trước khi bị bắt về tội đánh bạc, Tuấn "Phò mã" được đánh giá là người hiền lành, ít khi ở nhà, không hay giao lưu với hàng xóm.

Mới đây Hoàng Đình Tuấn (40 tuổi, tức Tuấn "Phò mã", quê Thanh Hóa) bị bắt khẩn cấp để điều tra về hành vi "Đánh bạc".

Theo báo Giao Thông, thông tin từ Công an thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết, Hoàng Đình Tuấn cùng vợ và hai con đã đến tạm trú, định cư trên địa bàn huyện Yên Phong gần 10 năm nay.

Trước đây, Tuấn "Phò mã" và gia đình thuê trọ và kinh doanh nhỏ gần Khu công nghiệp Yên Phong, thuộc xã Long Châu, Yên Phong. Gần hai năm nay, người này về thị trấn Chờ mua đất và xây nhà khá khang trang. Công việc hằng ngày của Tuấn "Phò mã" là phụ giúp vợ bán hàng online, Tuấn "Phò mã" thường xuyên lên mạng xã hội quảng cáo bán mũ cối và dao cạo râu.

Hoàng Đình Tuấn, tức Tuấn "Phò mã" thời điểm bị bắt giữ.

Cũng theo nguồn tin, Tuấn "Phò mã" rất ít khi ở nhà, không hay giao lưu với hàng xóm. Tuấn "Phò mã" thường xuyên sử dụng xe bán tải của mình đi nhiều tỉnh, thành để quay clip các tổ công tác CSGT rồi đưa lên mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi của mình.

Thông tin từ cơ quan chức năng địa phương cho biết, dù đi nhiều nơi quay clip nhưng Tuấn "Phò mã" chưa bao giờ can thiệp hay có điều tiếng gì tại Bắc Ninh. Người này cũng khá kín tiếng và chấp hành các quy định tại địa phương.

Trong khi đó, ông Cầm Bá Huyến, Chủ tịch UBND thị trấn Thường Xuân, huyện Thương Xuân, tỉnh Thanh Hóa xác nhận Tuấn "Phò mã" là công dân của địa phương.

"Vợ chồng Tuấn có đăng ký hộ khẩu thường trú tại khu phố 2, thị trấn Thường Xuân. Sau khi kết hôn với một người phụ nữ ở thôn Lương Thiện (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân), vợ chồng Tuấn không thường xuyên ở địa phương", báo Người lao động dẫn lời lãnh đạo thị trấn Thường Xuân.

Ông Huyến cho biết thêm, Hoàng Đình Tuấn từng có tiền án về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau khi chấp hành án phạt tù xong, Tuấn cùng vợ sinh sống và làm việc tại Bắc Ninh.

Như tin đã đưa, từ đêm 15/1 đến chiều 16/1, tại quán bi-a ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, các đối tượng Hoàng Đình Tuấn (40 tuổi), Đỗ Văn Bình (28 tuổi) và Trần Văn Phúc (35 tuổi), cùng trú tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và Nguyễn Văn Huy (20 tuổi), trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cùng nhau đánh bạc dưới hình thức bắn bi-a được thua bằng tiền.

Tuấn "Phò mã" khi chưa bị bắt. Ảnh: Người lao động

Các đối tượng đã chơi bi-a xuyên đêm, tổng số tiền tham gia cá cược lên đến hơn 1 tỷ đồng gây xôn xao dư luận tại Bắc Ninh.

Được biết, Hoàng Đình Tuấn có tài khoản trên các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok là Tuấn "Phò mã" "Tuấn 36". Trước khi bị bắt, Tuấn thường xuyên đi đến các chốt kiểm tra của lực lượng CSGT ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước quay clip quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT và đăng tải lên tài khoản Facebook, Tiktok của mình. Các tài khoản này của Tuấn thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, bình luận, được dư luận xã hội quan tâm.

Ngày 5/3, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Phong đã ra Quyết định tạm giữ hình sự đối với Đỗ Văn Bình và Nguyễn Văn Huy; ngày 6/3 ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Phúc và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Đình Tuấn, tức Tuấn "Phò mã" đều về hành vi "Đánh bạc".

Góc nhìn pháp lý

Dưới góc độ pháp lý của vụ án, Ths. LS Hoàng Thị Hương Giang, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, đánh bạc trái phép có thể hiểu là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, theo tờ Sức khỏe và Đời sống, Ths. LS Hoàng Thị Hương Giang cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 321 Bộ luật hình sự về tội đánh bạc, người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, đối với các trường hợp:

Tiền hoặc hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, gá bạc.

Tiền hoặc hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Còn nếu phạm tội với tình tiết có tính chất chuyên nghiệp, hoặc tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên, hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội, hoặc tái phạm nguy hiểm thì mức hình phạt có thể từ 3 đến 7 năm tù theo quy định khoản 2 Điều 321 bộ luật hình sự.

"Như vậy, trong vụ việc nêu trên nếu có căn cứ xác định hành vi đánh bạc với số tiền 50.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi phạm tội sẽ có thể bị áp dụng mức hình phạt từ 3 đến 7 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 321 Bộ luật hình sự", luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.

Hoàng Yên (T/h)

Tin nổi bật