Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 20/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.
|
Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp - Ảnh: An Đăng/TTXVN
|
Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự Với 434 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 88,39%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Luật giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Đối với Điều 19 Không tố giác tội phạm, Bộ Luật sửa đổi theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.
Cụ thể, Điều 19 quy định ''Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 390 của Bộ luật này. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa."
Luật cũng bổ sung một điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua.
Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thì bị phạt. Hình phạt cao nhất lên đến 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù. Luật cũng quy định chi tiết về hành vi và định lượng cụ thể về hậu quả gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở đề xuất của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018 Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đã được 439 đại biểu tán thành thông qua, chiếm tỷ 89,41%. Nghị quyết gồm 5 Điều.
Theo Nghị quyết, kể từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam sẽ có hiệu lực thi hành. Các quy định tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự có ghi thời điểm ''ngày 01 tháng 7 năm 2016'' được thay thế bằng thời điểm "ngày 01 tháng 01 năm 2018'', thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2019'' được thay thế bằng thời điểm ''ngày 01 tháng 01 năm 2020''.
Quốc hội giao Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự năm 2015; quy định về việc định giá đối với hàng hóa Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam; quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại điểm k khoản 2, điểm e khoản 3, điểm đ khoản 4 Điều 248, điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 249, điểm i khoản 1, điểm o khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 250, điểm p khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 251 và điểm i khoản 1, điểm n khoản 2, điểm h khoản 3, điểm h khoản 4 Điều 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tòa án Nhân dân Tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp tổ chức rà soát các văn bản có liên quan để kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật Hình sự trong nhân dân, cán bộ, công chức và viên chức, nhằm góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Bộ luật này trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2017.