"Còn sự hành hạ nào tàn nhẫn hơn với người cầm bút khi... phải vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật nhàm chán"...
Với cảm nhận của cá nhân tôi, làm báo thời internet là trải nghiệm một niềm đau dằng dặc khi phải loay hoay thích nghi với những thủ thuật công nghệ xa lạ, hoàn toàn không liên quan gì đến những tri thức về chữ nghĩa được đào tạo và tích lũy qua năm tháng.
Còn sự hành hạ nào tàn nhẫn hơn đối với người cầm bút (bao gồm cả phóng viên, biên tập viên, Thư ký Tòa soạn và Ban Biên tập) khi thay vì được thăng hoa trong ngôn từ, cách hành văn và lối diễn đạt, kể chuyện để tăng giá trị của bài viết, để đưa thông tin đến bạn đọc một cách hấp dẫn, có quan điểm và góc nhìn riêng thì họ lại phải vùi đầu vào những thao tác kỹ thuật nhàm chán là gắn link, tag hoặc cắt gọt chữ nghĩa cho chuẩn từ khóa SEO (Search Engine Optimization -tối ưu hóa công cụ tìm kiếm, chủ yếu là trên Google).
Còn sự chịu đựng nào thống khổ hơn đối với người cầm bút khi hoàn thành xong sản phẩm báo chí-một công việc có tính sáng tạo-thì sau đó họ phải làm công việc cần mẫn của một cu-li đúng nghĩa: share link bài viết của mình lên mạng xã hội để tăng view, nói cách khác là tự dâng hiến đứa con tinh thần của mình vào một cõi hỗn mang và đầy rẫy thị phi.
Đó là chưa kể việc họ luôn phải căng đầu đối phó với thói đỏng đảnh của facebook: thay đổi thuật toán liên tục hòng dựng thành lũy ngăn chặn việc các nguồn xuất bản (trong đó có báo chí) lợi dụng share link để viral (lan tỏa một thông điệp nội dung đến nhiều người).
Quỳ gối quỵ lụy Google, Facebook-cho dù là với mục đích rất thực tế là hướng dẫn bạn đọc tìm đến với bài viết nhanh chóng hơn, lan tỏa nội dung đến nhiều người hơn-một bộ phận báo chí đang vong thân và trượt dài đến bờ vực suy đồi: “bán linh hồn” cho mạng xã hội; bám váy hot trend (nghĩa đen là xu hướng “nóng”)- mà đa phần là các trend rất nhảm nhí; điên cuồng dùng thủ thuật đẩy-kéo view bằng mọi giá để làm đẹp chỉ số GA (Google Analystic - một công cụ đo lượng người dùng, thời gian lưu trang v.v...đối với các trang web), thay vì cung cấp thông tin, chuyển tải những thông điệp nội dung kịp thời và hữu ích cho bạn đọc.
Tượng đài sâm nghiêm và oai hùng trong lòng bạn đọc- vốn được bền bỉ và nhọc nhằn xây dựng qua thời gian bằng đức liêm chính, sự quả cảm, lòng trung thực và tính chuyên nghiệp của báo chí- cơ hồ sụp đổ bởi sự ra đời của internet, và tiếp sau đó là sự ra đời của mạng xã hội. Không còn là kênh thông tin độc quyền đối với công chúng, mất đi sự “cửa quyền” và đặc lợi (cá nhân tôi cho đây là một sự tiến bộ), thì thê thảm thay, báo chí cũng mất đi lòng kiêu hãnh và tính độc lập (trong phạm vi pháp luật và thể chế cho phép), xun xoe lệ thuộc mạng xã hội, thậm chí không ít tờ báo điện tử lâm vào khủng hoảng vì tổn thất hơn 50% view mỗi lần Google và Facebook thay đổi thuật toán hoặc ra “án phạt” về thứ hạng tìm kiếm khi trí tuệ nhân tạo phát hiện ra những thủ thuật lừa dối trong việc “làm” SEO, Social.
“Content is king” (nội dung là vua)- tín niệm thần thánh này có nguy cơ trở thành một khẩu hiệu suông, một slogan vô duyên và xa rời thực tiễn, thậm chí có thể trở thành một tiếng “chuông nguyện hồn ai”, ngân vang chỉ để báo hiệu sự úa tàn của chữ nghĩa, khi cơn sốt view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung và làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí.
Còn nhớ đầu năm 2012, sau rất nhiều cải cách để đưa ra một định hướng nội dung khác biệt, tờ báo in của chúng tôi trở thành một trong số ít ỏi những tờ báo phía bắc “nam tiến” thành công, phủ kín các sạp báo TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ có thị trường này- nơi có quy mô và tổng số sạp báo lớn gấp 4 lần thị trường Hà Nội (số liệu của công ty TNS-một đơn vị có uy tín độc tôn trong việc khảo sát thị trường để đưa ra bảng chỉ số xếp hạng báo chí-truyền hình Việt Nam lúc bấy giờ) mà tờ báo của chúng tôi đạt tia-ra hơn 200 ngàn bản/kỳ.
Khi đó, choáng váng vì thành công và có thể cả vì rượu bia ngày tết, số báo Tân xuân có những lỗi cẩu thả trong biên tập nội dung và hình thức trình bày trang báo. Số máy điện thoại đường dây nóng thực sự khét lẹt khi bạn đọc gọi về trách móc và phê phán những lỗi này, đặc biệt là một lỗi ngữ pháp ngay trong tít bài chủ ở trang nhất. Để tự hạ hỏa, kiềm chế cơn điên giận trong lòng, tại buổi họp giao ban tòa soạn đầu năm, tôi đã phải nói vui một cách... chua chát khi diễn đạt lại nhận xét của bạn đọc về số báo: “tít dài như thế kỷ đen, câu què chống nạng đi trên ảnh nhòe”. Một thư ký tòa soạn của tờ báo sau khi do số phận đưa đẩy, vui duyên mới và định cư ở một phương trời xa tít tắp tâm sự với tôi rằng, nhận xét này là một vết mực in đậm trong tâm thức anh suốt nhiều năm sau đó...
Kể lại chuyện cũ để nhớ rằng, đã có một thời, chỉ một lỗi câu cú sơ đẳng trên báo in có thể khiến bạn đọc và ban biên tập nổi giận vì nó biến báo chí thành những ấn phẩm có phông văn hóa lùn. Nhưng giờ đây, trên báo chí online, kể cả những tờ báo có uy tín nhất, những lỗi này hiện hữu như chuyện thường ngày ở huyện.
Có thể đổ lỗi cho việc biên tập trên CMS khó khăn hơn trên trang bông báo in, có thể đổ lỗi cho việc một ngày biên tập và xuất bản vài trăm tin bài, lại phải chạy nước rút với thời gian để đăng tin sớm nhất , nhưng đáng buồn thay là trong thâm tâm không ít người làm tòa soạn online đã nghĩ rằng, những lỗi chữ nghĩa này đã trở thành chuyện nhỏ so với lỗi không chuẩn SEO, không gắn link và bỏ quên những từ khóa hot. Đó có lẽ mới chính là cơn cớ của sự úa tàn về chữ nghĩa trên báo chí online mà tôi đã nói ở trên.
Đến đây, sẽ có nhiều người thắc mắc về nhận định “cơn sốt view hủy hoại những giá trị cốt lõi của nội dung, làm tan rữa nội tạng các cơ quan báo chí” của người viết bài này. Xin thưa, đây không phải là một sáo ngữ hay ngoa ngôn. Nói một cách nghiêm túc và chân thành nhất: đó chính là trải nghiệm của một người trong cuộc.
Trong một bài trả lời phỏng vấn đăng trên số tết báo Công luận hồi đầu năm 2019 , tôi có thú nhận: “7-8 năm trước, khi bước vào lĩnh vực làm báo điện tử mới mẻ, chúng tôi đã bị cuốn theo chỉ số đầy mê hoặc của công cụ đo Google Analytis(GA).Sự tăng trưởng của lượng truy cập được đo đếm một cách cụ thể mang đến những cảm xúc chưa từng có cho những người làm báo in truyền thống khi bước vào thế giới online. Hệ lụy là phóng viên say mê với thủ thuật để tăng view mà xa rời những kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của người làm báo-viết,quay, chụp, biên tập,tác nghiệp lấy thông tin hiện trường, phỏng vấn hay tường thuật”.
Nói một cách hình tượng (tuy có hơi khiên cưỡng), nếu cơ quan báo chí là một cơ thể thì Ban Biên tập chính là bộ não, tòa soạn chính là phủ tạng và bộ phận phát hành, quảng cáo chính là chân tay của cơ thể đó.Tòa soạn báo in truyền thống bao gồm 100% nhân sự làm nội dung: Thư ký Tòa soạn và các biên tập viên (một số tòa soạn có họa sĩ designer trang báo và các nhân viên kỹ thuật dàn trang, nhưng đa phần các nhân sự này thường được cơ cấu trong một phòng-ban riêng).
Thời internet, Tòa soạn báo in truyền thống đó đã phân rã với việc các thư ký tòa soạn và biên tập viên của Tòa soạn báo online phải làm thêm việc xuất bản tin bài (sử dụng CMS-phần mềm quản lý hệ thống biên tập và xuất bản tin tức của trang web-tương đương với phần việc của designer và nhân viên dàn trang của báo in), đồng thời xuất hiện thêm một số nhân sự chưa từng có trước đây: nhân viên SEO và nhân viên Social. Nhân viên SEO làm nhiệm vụ dùng các thủ thuật để tác động vào từ khóa, vào kết cấu nội dung để tối ưu hóa tìm kiếm, đưa bài viết xếp thứ hạng cao hơn trong danh sách tìm kiếm của Google, còn nhân viên Social đảm nhiệm chăm sóc các fan page (trang facebook) của cơ quan báo chí để câu like, qua đó share link các bài viết đăng trên trang báo để viral, tăng view.
(còn tiếp)
Linh gốc: https://www.nguoiduatin.vn/thoi-cua-tap-chi-phan-1-a470798.html
Theo Người Đưa Tin