Vị võ sư bí ẩn
Chúng tôi tìm về Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), gặp võ sư Hồ Ngọc Doãn (SN 1941), để cùng ông ngược dòng thời gian tìm về với những năm tháng xa xưa của các vị sư tổ khai lập nên môn phái, uy trấn thiên hạ. Tương truyền, vào thời thực dân phong kiến ở miền đất hạ lưu sông Thu Bồn xuất hiện một võ sỹ người dân hay gọi là Tám Thu, có sức mạnh hơn người, lại giỏi về thuật khinh công, thường xuất nhập vào các dinh thự quan lớn, nhà địa chủ trong vùng như vào chỗ không người. Dù những nơi đó được bố phòng cẩn thận, với đội ngũ lính khố xanh trang bị đầy đủ súng ống, hoặc hàng trăm gia đinh gươm giáo tuốt trần, ngày đêm thay nhau canh gác.
Chưởng môn Hồ Ngọc Doãn trao đổi cùng PV. |
Bọn quan quyền, địa chủ thời ấy đau đầu, điên đảo vì tài xuất quỷ nhập thần của Tám Thu, song ngược lại, dân nghèo thì tôn trọng, sùng bái ông như bậc thánh sống. Ai cũng xem Tám Thu là ân nhân của mình bởi cảm phục ông sử dụng võ nghệ siêu quần để đối đầu với thế lực cường hào, ác bá tại địa phương, răn đe không cho chúng hà hiếp dân lành, đồng thời thực hiện phương châm "Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo", cứu đói cho dân lúc thiên tai, hoạn nạn...
Lão võ sư mù Hồ Ngọc Doãn trầm ngâm một hồi lâu rồi thong thả: "ông nội tôi hồi đó là Hồ Lan Đình, là một võ sư duy nhất theo học Tám Thu, bởi khâm phục tài của ông ấy. Hồi phong kiến, ông tôi ngược xuôi khắp miền Đông - Tây xứ Quảng mài dùi võ đạo. Hành động anh hùng, tấm lòng hiệp nghĩa của Tám Thu đã hun đúc thêm cho tui về tình yêu quê hương, đồng bào; sau này chuyện của ông cũng giúp tui càng thấu hiểu và thấm thía hơn về cái đạo của người học võ, từ đó nối nghiệp ông, cha bảo tồn và phát huy võ đường Hồ Tấn ở Bàn Thạch thôn cho đến ngày nay...".
Thầy Doãn chữa bệnh. |
Trong tâm khảm của lão võ sư mù Ngọc Doãn, như vẫn còn sống động nhiều chuyện kể nghe rất huyền thoại về võ sỹ Tám Thu qua lời kể của ông mình. ông kể, vào một dịp giáp Tết cổ truyền, giữa ban ngày, ban mặt. Sau khi hay tin địa chủ sai gia đình vác bồ lúa đi cướp thóc dân cày, Tám Thu bất bình tới nhà tên địa chủ giàu nứt đố, đổ vách, song cũng rất keo kiệt đó ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam), rồi đĩnh đạc "cõng" bồ lúa mang đi cứu đói cho dân quanh vùng. Chẳng là, hồi đó cụ Hồ Lan Đình đang ở Quế Sơn, học hỏi võ thuật cùng anh em nhà họ Dương, nên tận mắt chứng kiến mọi chuyện.
Khi nghe Tám Thu hỏi xin gạo cứu đói cho dân, tay địa chủ keo kiệt nhếch mép cười khẩy, chỉ ngay cái bồ đựng đầy lúa nằm lù lù giữa nhà ngang (nhà dưới), hất hàm: "Có cái bồ lúa đó, chú giỏi thì cứ cõng về. Tui già rồi không tiện đưa cho chú được". Tám Thu đưa mắt nhìn cái bồ lúa rồi nhẹ nhàng hỏi mượn cái rựa, xăm xăm ra sau vườn chặt ngay một cây tre róc sạch và bổ làm đôi, cầm vặn xoắn lại làm thành hai sợi dây chão, buộc bồ lúa vào người như thể mang cái balô. Thấy Tám Thu gồng người mang cái bồ lúa đầy đứng lên như không, tay địa chủ nọ tái mặt, bèn lập tức hô gia đinh ra đóng chặt cổng ngõ, rồi lên giọng: "ấy chết, bọn bay đóng cửa thế chú ấy đi sao được".
Tám Thu liếc nhìn tay địa chủ lật lọng, cười bảo: "Được, ông xem tui đi đây!". Nói dứt lời, Tám Thu lấy hết sức bình sinh mang bồ lúa nhún người phóng lên nóc chuồng ngựa bên cạnh ngõ và bay ra ngoài, khiến gã địa chủ mặt xanh như chàm đổ, miệng ú ớ nói không nên lời. Sự việc nhanh chóng chấn động khắp các huyện lị, quan quân ráo riết truy bắt Tám Thu. Có lần quan huyện dẫn lính khố xanh bất thình lình vây kín chỗ ở của Tám Thu để bắt về trị tội dám xúi dân nghèo nổi dậy chống lại sự hà khắc của bộ máy chính quyền đương thời. Tám Thu tả xung hữu đột đánh cho bọn lính khố xanh một trận tơi bời, rồi nhảy phóc lên mái nhà tháo lấy hai miếng tranh, cầm mỗi tay một miếng dang ra như thể chim dang cánh "bay" thoát khỏi trùng vây.
Xả thân cứu mẹ già
Bấy giờ, tên tuổi Tám Thu như một vị thánh được tung hô khắp nơi, mọi người dân bên dòng sông Bàn Thạch không ai không biết đến ông. "Làm mưa làm gió" giúp người nghèo nên ông bị bọn quan quyền và quan tham vô cùng tức giận, chúng không chịu tha cho những ai dám lộng hành, uy hiếp chúng. Chính vì vậy ngoài việc treo thưởng cho cái đầu của ông, chúng quyết tìm mọi cách để tiêu diệt cho được người võ sỹ xuất quỷ nhập thần. Để nhổ "cái gai" trong mắt, bọn quan quyền địa phương đã sử dụng hạ sách, bắt mẹ già của ông hạ ngục. Đang tìm cách giúp người, nhìn thấy mẹ bị bắt, dù có tung hoành khắp nơi cũng không thể để mẹ bị chúng trói, thế rồi ông mới chịu bó tay cho chúng bắt.
Khi bị chúng bắt, điều duy nhất lúc này ông biết thể nào chúng cũng giết ông, nhưng khí phách vẫn ngất trời. Người dân nghèo nghe tin ông bị bắt liền đổ xô tới xem, ai cũng muốn xông vào cứu người anh hùng trung hiếu, nhưng quan quân đông nên không thể làm gì. Ai cũng rơi nước mắt khi chứng kiến người anh hùng đang bị kề dao bên cổ. Bị chúng dẫn đi, ông vẫn hiên ngang chửi vào mặt bọn quan tham đã hùa theo giặc bóc lột, ức hiếp dân lành, không hề có chút run sợ. Khi bọn đao phủ chặt đầu, song do tóc Tám Thu quá dày, thả phủ kín gáy nên nhát đao không làm hề hấn gì.
Tám Thu càng chửi mắng, khiến quan phủ buộc bọn lính xông vào đè ngửa ông ra để đao phủ ra tay. Võ sỹ Tám Thu chết dưới tay bọn cường hào, ác bá, song tinh thần hành hiệp trượng nghĩa của ông như ngọn lửa cháy mãi trong lòng người dân khắp miền Nam - Bắc sông Thu Bồn. Từ đó người dân khắp mọi miền vẫn ghi nhớ mãi vị võ sỹ vì dân nghèo mà ra tay nghĩa hiệp để rồi phải chịu cái chết khi còn quá trẻ, họ khâm phục và lấy đó làm chí hướng, mục đích sống của người anh hùng. Câu chuyện đó còn sống mãi cho đến nay. Đối với cụ Hồ Lan Đình, Tám Thu như một người thầy trong tâm khảm ông.
Sau cái chết bất đắc kỳ tử của thầy mình, Hồ Lan Đình quyết tâm rèn luyện và kế thừa những tinh hoa võ học do Tám Thu để lại. Vào năm 1914 dòng võ Hồ Tấn ra đời tại phủ Hà Đông (về sau đổi thành phủ Tam Kỳ rồi trở thành thị xã Tam Kỳ vào năm 1997 và ngày nay là TP.Tam Kỳ, thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam). Đây là một trong dòng võ nhất nhì xứ Tam Kỳ xưa. Cùng với việc thành lập võ đường Hồ Lan Đình được phong chức Chánh Tổng (sau người ta quen gọi ông là Chánh Lơn) chuyên quản lý dẹp nạn cướp bóc, yên ổn dân tình cả một vùng rộng lớn.
Sự ra đời của Hồ Tấn phái đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng của võ thuật cổ truyền Quảng Nam. Từ đây, những cuộc thư hùng của các môn phái bắt đầu sang một trang mới.
Từng được triều đình nhà Nguyễn công nhận Sự ra đời và thành quả hoạt động của dòng võ này, được khẳng định bằng các văn bản của triều đình nhà Nguyễn và chính quyền Pháp (bằng hai thứ chữ Hán và Pháp, có triện son của Bộ Lại, Bộ Hình, Tổng đốc An Ngãi và con dấu của chính quyền Bảo hộ Pháp), ký vào các năm 1916, 1917 và nhiều năm sau đó, mà hiện nay võ đường Hồ Tấn còn lưu giữ. |