Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thiên tình sử cảm động của nữ du kích Hoàng Ngân với đồng chí Hoàng Văn Thụ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mối tình giữa nữ anh hùng Hoàng Ngân với đồng chí Hoàng Văn Thụ được coi là một trong những thiên tình sử cảm động của tuổi trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

(ĐSPL) - Mối tình giữa nữ anh hùng Hoàng Ngân với đồng chí Hoàng Văn Thụ được coi là một trong những thiên tình sử cảm động của tuổi trẻ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần cách mạng cao cả, tình đồng chí đồng đội... đã gắn kết hai con tim đến với nhau. Trong bài viết này, chúng tôi mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đời thường dung dị và cảm động về mối tình ấy qua ký ức của bà Phạm Thị Minh Hiền (em ruột nữ du kích anh hùng Hoàng Ngân).

Lễ đính hôn trên đất Cảng

Ngày anh Thụ và chị tôi yêu nhau, tôi mới chỉ là cô bé bảy, tám tuổi, suốt ngày quấn quýt bên bố mẹ. Tôi không biết anh Thụ và chị tôi đến với nhau như thế nào, chỉ nghe bố mẹ tôi nói với nhau rằng, hai người yêu nhau trong quá trình cùng tham gia hoạt động cách mạng. Anh Thụ là cấp trên của chị Ngân. Chị tôi tên thật là Phạm Thị Vân.

Từ ngày quen và yêu anh Thụ, chị lấy họ của anh ghép với tên Ngân để làm bí danh hoạt động cách mạng. Còn anh Thụ cũng lấy tên của chị làm bí danh cho mình là Hồng Vân. Sau này lớn lên, hiểu biết về cách mạng và tình yêu, tôi mới cảm nhận hết được sự thủy chung, son sắt và lý tưởng cao đẹp trong mối tình của hai anh chị.

ôi đã nhiều lần gặp anh Hoàng Văn Thụ đến nhà mình và bàn bạc công việc gì đó với chị Hoàng Ngân. Anh ấy là người chính trực, nghiêm khắc nhưng sống tình cảm và trách nhiệm. Mỗi lần đến nhà tôi, anh đều quan tâm đến mọi người trong gia đình và luôn dành cho tôi tình cảm yêu quý như đối với một đứa em gái. Tôi cũng quý trọng anh như là anh trai của mình vậy.

Vào một buổi sáng trời lạnh, tôi đang nằm trong chăn thì nghe bố mẹ nói với nhau, ngày mai sẽ có bố của anh Thụ đến nhà làm lễ dạm ngõ để xin cưới chị Ngân cho anh Thụ. Bố mẹ nói rằng anh chị đã báo cáo chuyện tình cảm của mình với tổ chức và được đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng chấp thuận. Hai anh chị được tổ chức sắp xếp cho về với gia đình để lo chuyện trăm năm.

Sáng hôm sau, tôi theo mẹ dậy sớm, giúp mẹ nhặt rau, vo gạo, nhóm bếp để chuẩn bị mâm cơm đón ông thông gia. Mọi thứ đã chuẩn bị tươm tất thì đến tận trưa, thân phụ của anh Thụ mới tới nhà. Qua giới thiệu, tôi biết ông tên là Hoàng Khải Lan, gương mặt khá giống anh Thụ. Ông Lan đã bí mật đi từ Lạng Sơn xuống Hải Phòng. Cùng lúc anh Thụ và chị Vân cũng về nhà. Ông Lan trò chuyện thân mật với bố mẹ tôi, ông nói do điều kiện xa xôi, hai con lại đang làm công tác của Đảng nên hôm nay ông xin phép bố mẹ tôi cho gia đình ông được nhận chị Ngân làm con dâu và bố mẹ tôi chấp thuận cho anh Thụ được làm con rể. Chừng nào có điều kiện thuận lợi sẽ tổ chức tiệc cưới mời hai bên họ hàng.

Nữ du kích Hoàng Ngân chuẩn bị làm nhiệm vụ.

Sau khi thay quần áo, hai anh chị được bố mẹ tôi và ông Lan hướng dẫn làm lễ gia tiên. Anh Thụ mặc bộ đồ Tây, màu trắng, trông chả khác gì một thương gia. Chị tôi thì đẹp tuyệt trần trong bộ áo dài. Hai anh chị khép nép, lặng lẽ đứng bên nhau dâng hương khấn vái gia tiên.

Sau khi làm lễ xong, hai anh chị ngồi thưa chuyện với bố mẹ tôi và bố anh Thụ được một lúc thì xin phép đi ngay. Thấy vậy tôi tỏ ra phụng phịu với chị. Chị Ngân âu yếm bảo tôi: “Chị đang bận lắm, phải đi ngay. Em ở nhà thay chị giúp đỡ bố mẹ nhé. Con gái lớn rồi, đừng phụng phịu như vậy, xấu lắm!”.

Tôi hiểu anh chị phải đi gấp, về và đi trong bí mật để tránh tai mắt của bọn mật thám. Ăn cơm xong, đến đầu giờ chiều thì ông Hoàng Khải Lan cũng vội vã chào bố mẹ tôi để trở về Lạng Sơn. Lễ dạm ngõ diễn ra trong bí mật, chóng vánh nhưng tôi cảm nhận được sự ấm cúng, hạnh phúc vô bờ bến của anh chị. Kể từ hôm ấy, tôi cứ đếm ngày chờ đợi hai anh chị tổ chức đám cưới. Tôi sẽ mặc thật đẹp trong ngày cưới của chị tôi.

Mãi mãi một tình yêu

Nhưng rồi mãi mãi, tôi chẳng bao giờ được dự đám cưới của chị tôi nữa. Năm 1941 bị mật thám chỉ điểm, chị tôi bị địch bắt trong khi tham dự cuộc họp của Xứ ủy Bắc Kỳ. Chị bị biệt giam vào Hỏa Lò. Một thời gian sau anh Thụ cũng bị bắt và biệt giam ở đây. Hai anh chị đều bị địch xếp vào hàng Cộng sản cực kỳ nguy hiểm nên bị chúng tra tấn đủ loại cực hình. Anh Thụ bị tra tấn đến tràn dịch màng phổi, bị viêm phổi nặng. Chị Hoàng Ngân cũng bao lần thập tử nhất sinh.

Trong nhà, tôi là người duy nhất có thể gần gũi chị trong mỗi lần đến thăm nuôi, vì tôi còn nhỏ, bọn cai ngục ít nghi ngờ. Trong một lần vào thăm nuôi, chị Ngân dặn tôi về nhà mua thuốc chữa bệnh, thức ăn, sữa, áo len... gửi vào cho chị. Chị đã cảm hóa được một viên cai ngục, nhờ anh này bí mật chuyển đồ tiếp tế cho anh Thụ.

Chiếc áo len được chị tháo ra đan lại thành chiếc áo kín cổ gửi sang cho anh Thụ, giúp anh chống chọi với bệnh viêm phổi trong giá lạnh mùa đông. Ngày anh Thụ bị xử án tử hình, chị Ngân khóc ngất, chết đi sống lại. Về sau, chị được tổ chức bố trí cho vượt ngục rồi chuyển lên hoạt động ở Định Hóa.

Mùa thu năm 1948, tức là hơn 4 năm sau ngày anh Thụ hy sinh, tôi được tổ chức phân công lên Định Hóa gặp chị Ngân để nhận chỉ thị, kế hoạch hoạt động cho phong trào phụ nữ ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tôi lên Việt Bắc vào một ngày cuối thu, trời đã se se lạnh. Nơi chị Ngân công tác ở trên một ngọn đồi trong rừng. Chị em gặp lại nhau, mừng vui và xúc động lắm. Chị dẫn tôi xuống triền đồi ngồi tâm sự. Chị căn dặn tôi về cách ứng xử trong cuộc sống, tập đương đầu với khó khăn, thử thách để khi gặp phải thì không chùn bước, run sợ.

Ngập ngừng mãi, tôi mới hỏi chị: - Chị... đã yêu ai chưa? Bố mẹ rất mong chị lập gia đình. Anh Thụ đã hy sinh lâu rồi mà! Chị Ngân ngồi trầm tư không trả lời câu hỏi của tôi.

Một lúc sau, chị ôm lấy bờ vai tôi rồi nói: - Em đã là một thiếu nữ rồi. Chị sẽ tâm sự chuyện tình cảm riêng tư của mình với em như một người bạn. Chị đã kể cho tôi nghe những kỷ niệm giữa chị với anh Thụ trước ngày anh bị xử tử hình. Anh Thụ đã bí mật chuyển đến cho chị một bức thư. Anh dặn chị giữ gìn sức khỏe, động viên chị phải luôn giữ vững chí khí cách mạng. Nếu có chuyện gì xảy ra với anh thì chị vẫn phải tiếp tục sự nghiệp cách mạng mà hai người đã được giác ngộ, theo đuổi, không vì hy sinh, mất mát mà đau buồn, nản chí. Anh dặn chị sau này có điều kiện thì về thăm gia đình anh.

Cuối bức thư là một bài thơ tứ tuyệt: “Việc nước xưa nay có bại thành/ Miễn sao giữ trọn được thanh danh/ Phục thù chí lớn không hề nản/ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành...”. Đọc thư anh, chị biết, anh đã biết trước thể nào rồi kẻ thù cũng sẽ xử bắn anh. Trong sự hy sinh lớn lao cho Tổ quốc, anh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với chị. Tình yêu anh dành cho chị vô bờ bến.

Kể xong, chị nói với tôi: - Anh chị đã thuộc về nhau mãi mãi rồi em ạ. Chị không thể yêu ai khác ngoài anh Thụ được. Chị đã lấy chồng và chỉ lấy duy nhất một lần thôi. Em về lựa lời nói với bố mẹ, động viên bố mẹ giữ gìn sức khỏe, đừng lo cho chị. Em cố gắng thay chị chăm sóc bố mẹ! Tôi đã gục đầu vào vai chị mà khóc. Tôi khóc vì thương chị và cảm phục chị.

Trong tôi, tình yêu của chị thật vĩ đại. Tôi hứa với chị sẽ noi gương chị đi theo con đường mà chị đã chọn và dìu dắt tôi. Tôi tạm biệt chị trở về xuôi. Hai chị em hẹn nhau năm sau sẽ gặp lại.

Mùa thu năm sau, tôi chuẩn bị ngược Định Hóa lần thứ hai thì bất ngờ nhận được tin đau xé lòng: Chị tôi đã hy sinh. Chị trút hơi thở cuối cùng tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 17/7/1949 sau một thời gian lâm bệnh nặng. Những lời anh Thụ dặn chị trong bức thư cuối cùng ấy đã được chị thực hiện trọn vẹn, dù chị không thể thay anh đi đến ngày kháng chiến thành công...

LỮ NGÀN 

Xem thêm video:

[mecloud]iIMZxkPNkm[/mecloud]

Tin nổi bật