Các trường công lập có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất Hà Nội năm 2022
Theo thống kê điểm chuẩn vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên năm 2022, trường THPT Chu Văn An tiếp tục dẫn đầu về điểm chuẩn vào lớp 10 với 43,25 điểm. Tiếp đến là trường THPT Yên Hoà 42,25 điểm, THPT Phan Đình Phùng 42 điểm. Trường THPT Việt Đức, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông), THPT Nguyễn Gia Thiều 41,75 điểm,...
Mức điểm năm nay thể hiện rõ sự phân hóa giữa các khu vực tuyển sinh khác. Cụ thể, top 15 trường THPT công lập có mức điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 cao nhất Hà Nội năm nay chủ yếu tập trung ở khu vực 3 (quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy).
Trong khi đó, các khu vực tuyển sinh 4, 6, 8, 9, 11, 12 không có trường nào lọt top này.
Đặc biệt trong nhiều năm gần đây, Trường THPT Chu Văn An luôn có điểm đầu vào lớp 10 cao nhất của Hà Nội. Dưới đây là 15 trường có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất Hà Nội năm 2022:
Thí sinh và phụ huynh cũng có thể tham khảo thêm top các trường có tỉ lệ chọi cao năm 2022.
Nếu xét tổng quan, mặt bằng chung mức điểm chuẩn năm ngoái của tất cả các trường THPT đều giảm, thậm chí giảm mạnh so với năm 2021.
Tuy nhiên lý do khách quan là bởi kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2022 được tổ chức với 3 môn thi trong khi năm 2021 là 4 môn.
Theo Vietnamnet năm 2023, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội cũng được tổ chức với 3 môn thi. Do đó, mức điểm chuẩn của các trường năm 2022 (cùng thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ như năm nay) cũng là kênh tham khảo điểm chuẩn khá sát cho các thí sinh, phụ huynh.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội năm 2023 sẽ được tổ chức trong 2 ngày từ 10-11/6 với 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Cụ thể, sáng 10/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Buổi chiều, học sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, hệ số 1.
Đối với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh chọn một trong các thứ tiếng như: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với tiếng đang học tại trường THCS.
Sáng ngày 11/6, học sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2.
Tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tỉ lệ chọi cao
Năm học 2023-2024, dự kiến toàn Thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS, Hà Nội đảm bảo 100% học sinh tốt nghiệp THCS, đủ điều kiện và có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường học trên địa bàn Thành phố.
Thông tin trên Tổ Quốc, thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh và tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố như sau: Tuyển vào trường THPT khoảng 102.000 học sinh (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023). Trong đó, tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học trước), chiếm tỉ lệ 55,7%. Tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỉ lệ 23,2%. Tuyển vào các trung tâm GDNN-GDTX khoảng 10.000 học viên, chiếm tỉ lệ 7,7%. Tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm GDNN-GDTX liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình GDTX cấp THPT) khoảng 17.210 học viên, chiếm 13,4%.
Bật mí cách đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội
Trao đổi với VOV, cô Đỗ Thu Hà, giáo viên môn Toán Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) lưu ý, trong giai đoạn nước rút, học sinh nên tập trung vào các dạng bài quen thuộc, cần tìm cách đưa các dạng bài lạ về dạng Toán thường gặp.
“Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần chú ý một số lỗi thường gặp khi làm bài như rút gọn nhưng quên điều kiện, hay sau khi giải không đối chiếu điều kiện phía trên. Tương tự, ở các bài toán có lời văn, nhiều thí sinh cũng thường không để ý đến điều kiện của đề bài. Ví dụ, các sản phẩm, số luống rau… phải là số nguyên dương, hay dạng phương trình bài toán tăng giảm, các em chỉ chú ý đến tổng số mà không đọc kỹ đề bài. Khi gặp các câu hỏi lạ, nhiều em lập tức bối rối, nhưng chỉ cần thay đổi một chút các em đã có thể đưa về dạng toán quen thuộc, hay với các bài hình, lỗi nhiều thí sinh gặp phải là bỏ bước, dẫn đến mất điểm”, cô Đỗ Thu Hà lưu ý.
Còn với môn Ngữ văn, cô Hoàng Diệu Thúy (Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) cho rằng, khi thời gian ôn tập không còn nhiều, không ít thí sinh đang rơi vào trạng thái lo lắng, áp lực, tuy nhiên các em cần bình tĩnh, tập trung ôn tập hiệu quả. Với môn Ngữ văn, thí sinh có thể ôn theo phương pháp cuốn chiếu, nắm chắc kiến thức từng phần, sau đó luyện các dạng câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần tránh học tủ, loại trừ các tác phẩm đã thi những năm trước.
Cô Thúy nhấn mạnh đề thi Ngữ văn lớp 10 những năm gần đây không yêu cầu thí sinh học thuộc nhiều, mà tập trung vào phát triển kỹ năng của học sinh. Do đó, thí sinh nên đọc hiểu, nắm chắc kiến thức, ôn tập theo từng dạng bài, với mỗi dạng bài lại vận dụng vào các tác phẩm đã học để luyện tập, tránh học thuộc, học vẹt.
Ngoài ra, ngữ liệu trong đề thi cũng có thể lấy từ chương trình các lớp dưới, do vậy học sinh cần đọc kỹ đề, rèn luyện các kỹ năng làm bài.
Cô Bùi Ngọc Hà (Trường THCS Thái Thịnh, Hà Nội) cho rằng môn Tiếng Anh, trong 2 tháng nước rút, thí sinh cần tập trung hệ thống lại kiến thức trong SGK từ lớp 6 đến lớp 9, học kỹ các thành tố như từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, đồng thời cũng cần củng cố thêm những kỹ năng cơ bản khác như đọc hiểu, đọc lấy ý chính khi làm bài đọc. Luyện tập những câu hỏi về giao tiếp hàng ngày như cách đáp lại lời khen, lời cảm ơn, xin lỗi, phàn nàn, đề xuất...
Trúc Chi
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-vao-lop-10-luu-y-truong-top-dau-va-cach-lay-diem-cao-a604491.html