Tuy nhiên, sự bành trướng không có điểm dừng đã khiến hai ông trùm này phải trả giá. Bỏ qua những câu chuyện pháp luật đó, suốt hai ngày lang thang ở khu vực chợ Phù Khê, làng gỗ Đồng Kỵ..., chúng tôi đã may mắn được gặp nhiều bàn tay tài hoa trong nghệ thuật điêu khắc gỗ.
Sự nhiệt thành cháy bỏng của các nghệ nhân này khiến những người “ngoại đạo” như chúng tôi dường như cũng được truyền thêm chút lửa đam mê nghề gỗ...
Chiêm ngưỡng kho “mỹ nghệ đế vương”
Trong số khoảng 3.000 hộ dân với hơn 16.000 người đang theo nghiệp gỗ ở đất Đồng Kỵ, ông Lương Văn Bút (SN 1946, trú tại khu phố Thanh Bình), chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Ngọc Kiên, có lẽ là một trong số rất ít những nghệ nhân tài hoa còn gắn bó với những mặt hàng tinh xảo.
Khi chúng tôi đến cửa hàng, hai vợ chồng ông vẫn đang miệt mài ngắm nghía những vật phẩm mỹ nghệ độc đáo, rồi bàn, rồi luận, rồi hít hà cái mùi thơm đặc trưng của các loại gỗ đế vương, như sưa, huỳnh đàn, ngọc am…
Chỉ vào bức tứ linh bằng gỗ trắc độc nhất vô nhị, ông Bút tự hào nói: “Bộ tứ linh này được đục trên thân phiến lũa trắc, không chắp vá hay “độn” dù chỉ một chút gỗ tạp. Nó xứng đáng là một trong những bộ tứ linh gỗ trắc quý bậc nhất ở đất Đồng Kỵ này”. Được biết, bộ tứ linh này được chính ông Bút lên ý tưởng, vẽ phác thảo và do tay thợ tinh hoa đất Đồng Kỵ tạc.
Nghe đâu, để bức này hoàn thành, người thợ tài hoa kia phải mất cả tháng trời dụng công. “Dù giá bán bộ này chỉ khoảng 100 triệu đồng nhưng rất độc đáo bởi nó được hình thành trên phiến lũa trắc nguyên khối; tuổi đời của phiến lũa này không dưới vài trăm năm…”, ông Bút chia sẻ.
Cả cửa hàng Ngọc Kiên trưng bày hàng trăm vật phẩm mỹ nghệ, nhỏ như bộ 12 con giáp, rồi những vật dụng hàng ngày như đũa, gạt tàn thuốc hay đồ thờ như cốc, lọ hoa; đến các pho tượng tâm linh, bộ tứ linh… ông lấy cho tôi xem bức tượng Phật bằng gỗ sưa, nặng chưa đầy 1kg.
“Gỗ sưa giờ có giá đắt nhất trên thị trường “gỗ đế vương”. Bức tượng này có giá tới 40 triệu đồng, bằng cả bộ bàn ghế ngồi loại đẹp ở đây”, ông Bút nói.
Nghệ nhân Lương Văn Bút cho PV xem tượng Phật Di Lặc bằng gỗ sưa quý hiếm. |
Ông Bút mở tủ kính lấy cho chúng tôi xem thêm một bộ hơn chục bức tượng Phật Di Lặc, các ông Phúc - Lộc - Thọ… cao chỉ khoảng hơn 10cm bằng gỗ hoàng đàn. “Loại gỗ này chỉ có ở khu vực Đồng Mỏ - Lạng Sơn. Không phải là loại gỗ đắt nhất, nhưng giờ nó thuộc loại hiếm nhất”, ông Bút khẳng định.
Tôi quan sát kỹ thấy trên những bức tượng này có những sợi tuyết óng ánh như pha lê, có chỗ còn đọng lại thành cả ụ tuyết. Thấy tôi thắc mắc, ông Bút chia sẻ: “Gỗ hoàng đàn có đặc trưng là thơm, nhất là khi được để trong môi trường kín gió. Để lâu, nhựa trong thớ gỗ sẽ mọc thành các sợi tuyết.
Có lẽ vì thế, loại gỗ này còn được dùng để làm các vật phẩm thờ cúng; có nguồn tin còn cho rằng, nó là một trong những nguyên liệu ướp xác của người xưa…”.
Cũng theo ông Bút, vài chục năm trước, khi thị trường các loại “gỗ đế vương” chưa lên cơn sốt, gỗ hoàng đàn được người dân địa phương khai thác, bán khắp nơi, với giá rất rẻ. Một số hộ dân còn may mắn khi đóng được chiếc tủ, bộ sập…, sau này có giá cả tỉ bạc, đổi đời như chơi.
Gần chục năm nay, nhất là từ những năm 2007 trở lại đây, giá các loại gỗ này sốt hơn bao giờ hết, người dân Đồng Kỵ lùng sục khắp vùng Lạng Sơn để săn tìm. Đến nay, thi thoảng người ta cũng chỉ tìm được vài miếng gỗ tận dụng từ những miếng ghép, tấm độn trên bộ giường, tủ cũ kỹ; chứ còn phiến gỗ hoàng đàn nguyên khối thì… có bói cũng không ra. Đó cũng là lý do giá gỗ hoàng đàn ngày càng cao, nó còn được xem là vàng mười trong các loại gỗ quý.
Bức tứ linh bằng gỗ trắc của ông Bút. |
“Bán khúc gỗ như đứt khúc ruột…”
Từ trước những năm 1960, sau khi miền Bắc hòa bình, lúc đó mới 12-13 tuổi, cuộc sống vô cùng khó khăn, ông Bút đã phải lang thang khắp nơi làm nghề thợ mộc, đục đẽo nhà thuê. Hồi đó, người dân Đồng Kỵ chỉ biết làm ruộng hoặc chài lưới ven sông, chứ nghề gỗ còn xa vời lắm.
Sau nhiều năm lăn lộn đi làm nhà thuê khắp nơi, ông Bút đã tích trữ được nhiều kinh nghiệm. Điều lớn nhất ông rút ra là, không có nghề nào bền vững như làm đồ gỗ mỹ nghệ. “Cuộc sống càng được nâng cao thì nhu cầu sắm sửa đồ trang trí trong nhà càng lớn. Hơn nữa, khi trình độ dân trí được nâng cao thì người dân sẽ biết giá trị và lựa chọn những sản phẩm tinh xảo, có hàm lượng trí tuệ và văn hóa cao trong từng nét đục…”, ông Bút tâm sự.
Còn nhớ, trước khi đến đây, nhóm phóng viên chúng tôi đặt mình trong vai trò người thu thập thông tin để viết bài. Thế nhưng, sau một hồi trò chuyện, cảm được cái sự chân thành trong con người ông, rồi cái sự đam mê gỗ đến quên mình của ông, chúng tôi dường như bị lạc vào thế giới của ông, thế giới của một đời người đau đáu với “gỗ đế vương”. Chẳng thế mà khi nghe ông kể về lần bán gốc gỗ mun sừng năm 2005, tôi thấy ông như rơm rớm nước mắt.
Gốc lũa này được ông lùng tìm rồi đào tận Nha Trang – Khánh Hòa, mất bao công sức mới chở ra được ngoài này. Khi vừa ra đến nơi, một nhóm tay buôn Trung Quốc tìm đến và trả giá 8 triệu đồng, chả hiểu thế nào, ông lại gật đầu ngay. “Nếu còn để lại, giờ giá bán của nó cỡ 300-400 triệu đồng. Điều quan trọng là, loại gỗ mun sừng này gần như không còn, muốn tìm vài mảnh cũng khó. Chẳng biết giờ nó lưu lạc ở phương trời nào…”, ông Bút nghẹn lời.
Tượng phật bằng gỗ huỳnh đàn phủ tuyết đặc trưng. |
Ông Bút kể thêm rằng, chính ông đã từng tận mắt nhìn thấy một bộ ghế cuốc bằng gỗ sưa độc nhất vô nhị. “Bộ ghế này đã bị bán sang Trung Quốc. Nếu nó còn thì giá trị hiện nay cỡ 70-80 tỉ đồng.
Người Trung Quốc đã thu gom được quá nhiều đồ gỗ quý từ Việt Nam. Một thời gian dài, do chúng ta không biết giá trị thực của chúng, rồi do cơ quan quản lý của chúng ta chưa được sâu sát nên đã làm “chảy máu” nhiều báu vật từ cổ xưa được làm bằng các loại “gỗ đế vương”, ông Bút ngậm ngùi.
Ông Bút dẫn chúng tôi vào nhà xem bộ sập bằng gỗ trắc mà ông xem là “báu vật” của gia đình. Bộ sập này ông mua từ những năm 2000, tận Kon Tum, kích thước 1,6mx2,0m, dày 6cm. Hồi đó, do gỗ trắc chưa sốt giá, nên bộ sập này ông mua chỉ có… 17 triệu đồng. Giờ, bộ sập này được nhiều người hỏi mua với giá trên 1 tỉ đồng, thế nhưng ông không bán.
Hỏi nguyên nhân vì sao, ông Bút nói: “Giờ đố ai tìm được bộ sập quý như thế này! Đời tôi đã bán nhiều loại gỗ quý và chính cái thời giá rẻ nhất lại là lúc tôi bán nhiều gỗ nhất. Giờ nghĩ lại, bán khúc gỗ mà như đứt khúc ruột. Vì thế, cái sập gỗ trắc này, tôi sẽ để lại cho con cháu, như một gia bảo, coi như báu vật của cả đời theo nghiệp gỗ…”.
Cũng theo ông Bút, tất cả các loại gỗ quý trên khắp thế giới, nếu đã qua địa phận Việt Nam thì kiểu gì cũng tụ hội về Đồng Kỵ. Lý giải điều này, ông Bút cho rằng, người Đồng Kỵ có truyền thống làm gỗ, có số lượng người buôn gỗ lớn nhất nước, lại có điều kiện kinh tế, có quan hệ đối tác tốt với giới buôn gỗ trong nước và nước ngoài.
Đồng Kỵ lại là nơi đắc địa, là trạm trung chuyển cho thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước á – âu. Vì thế, các loại gỗ quý như sưa, trắc, hoàng đàn, mun, hương… qua nhiều công đoạn rồi cuối cùng cũng đổ về Đồng Kỵ. Thậm chí, khi Nhà nước thanh lý các lô hàng gỗ quý có giá trị lớn thì trong một thời gian ngắn, người dân Đồng Kỵ có thể tập hợp đủ lực (nhất là về tài chính) để đấu giá, đánh bật các đối thủ khác.