Các doanh nghiệp bán lẻ Hàn Quốc đã tìm cách tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á, trước khi thị trường Trung Quốc gặp khó khăn vì căng thẳng chính trị.
Theo thông tin từ VnExpress, Tập đoàn bán lẻ của Hàn Quốc - CJ đã hoàn tất việc thanh toán một phần trong thương vụ mua lại 64,9% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt vào tháng 4 năm nay. Đây là thương vụ được ký kết vào tháng 11/2016 giữa CJ CheilJedang và DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của Việt Nam với tổng giá trị 13,4 triệu USD, tương đương hơn 300 tỷ đồng.
Siêu thị E-Mart Gò Vấp mở cửa tại TP HCM vào tháng 12/2015. Ảnh: Dân trí. |
Ngoài Minh Đạt, CJ còn sở hữu 4,18% cổ phần tại CTCP Kĩ nghệ Súc sản (Vissan); CJ Cheiljedang Corporation, công ty con của CJ,ũng đã sở hữu hơn 71% cổ phần của công ty thực phẩm Cầu Tre.
Tập đoàn Hàn Quốc khác là Lotte Group cũng liên tục xâm nhập vào thị trường các nước Đông Nam Á. Ngày 10/10, tập đoàn này đã khai trương một trung tâm mua sắm trực tuyến ở Indonesia cùng với tập đoàn Salim của Đất nước Vạn đảo.
Theo số liệu của Lotte, 87 trong số 99 (tương đương 87,9%) chuỗi siêu thị Lotte Mart của tập đoàn này tại Trung Quốc đã ngừng hoạt động kể từ ngày 11/10. Doanh số bán hàng của Lotte Mart tại Trung Quốc đã giảm 64,7% trong các tháng 1-8/2017 xuống còn 410 tỷ won (362 triệu USD), so với mức 1.160 tỷ won hồi cùng kỳ năm trước, VietNamPlus đăng tải.
Không chỉ vậy, nhà bán lẻ khác là Shinsegae cũng bày tỏ tham vọng xâm nhập thị trường Đông Nam Á. Vào hồi tháng 8, Phó Chủ tịch Shinsegae Chung Yong-jin cho biết doanh nghiệp này đang hướng đến một số nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào.
Báo Dân trí cho biết, Tập đoàn này đã khai trương siêu thị E-Mart đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 12/2015 và hiện đang chuẩn bị cho việc khai trương cửa hàng thứ hai. Chuỗi siêu thị này tại Trung Quốc cũng đã bán 5/6 cửa hàng cho một công ty Thái Lan, kết thúc sự hiện diện kéo dài 20 năm của chuỗi siêu thị này ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Minh Thư (T/h)